Hiện nay, cây lúa trên địa bàn toàn tỉnh đang ở giai đoạn đứng cái làm đòng, chuẩn bị trổ bông. Cây lúa phát triển tốt, tuy nhiên trên đồng ruộng xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại như bệnh đạo ôn, khô vằn, sâu cuốn lá… có khả năng làm giảm năng suất nếu không được phòng trừ kịp thời.
Chăm sóc lúa giai đoạn làm đòng, trổ bông - Ảnh: T.C.L |
Bệnh đạo ôn lúa là một đối tượng bệnh hại nguy hiểm, gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa, thường gây cháy lá ở giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và gây hại cổ bông giai đoạn lúa trổ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 700 ha lúa bị bệnh đạo ôn lá. Với thời tiết có sương mù vào đêm và buổi sáng là điều kiện phù hợp cho bệnh đạo ôn cổ bông xuất hiện và gây hại nặng trên các chân ruộng bị nhiễm đạo ôn lá và gieo giống nhiễm như: VN10, HC95, IR38…
Vết bệnh có thể xuất hiện ở trên thân, cổ bông, cổ gié lúa; lúc đầu chỉ là một vết nhỏ màu xám sau chuyển thành màu nâu ăn lan quanh cổ bông lúa làm tắc mạch dẫn, bông lúa bị khô không vào chắc được, gây lép lửng. Bệnh nặng sẽ làm mất trắng năng suất. Do đó, giai đoạn bón thúc đòng, nông dân cần chú ý bón phân cân đối, tránh bón thừa đạm, tăng cường hàm lượng kali để tăng sức đề kháng và nâng cao năng suất. Tăng cường kiểm tra bệnh đạo ôn trên tất cả các giống, kiểm tra kỹ trên các giống nhiễm, trên các chân ruộng gieo dày, bón thừa đạm... để có biện pháp quản lý kịp thời.
Trên những chân ruộng bị bệnh đạo ôn phải ngừng bón phân đạm và phân bón qua lá, tăng cao mực nước trong ruộng, khẩn trương phun thuốc phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc như: Beam, Fillia, Flash, Map Famy, Fuji - one... theo liều lượng khuyến cáo. Chú ý phải phun ướt đẫm lá, lượng nước thuốc đã pha ít nhất 20 lít/sào, vùng bị nặng phải phun 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày, kết thúc phun trước khi lúa trổ khoảng 1 tuần.
Bệnh bạc lá lúa phát sinh gây hại suốt thời kỳ mạ đến khi lúa chín, nhưng có triệu chứng điển hình ở giai đoạn lúa trổ đến chín sữa. Bệnh phát triển mạnh và truyền lan nhanh trong điều kiện từ 26 - 30độ C, ẩm độ cao. Nếu bón quá nhiều đạm, cây lúa xanh tốt, thân lá mềm yếu, hàm lượng đạm tự do trong cây tích lũy cao thì cây dễ nhiễm bệnh nặng. Trên bề mặt vết bệnh dễ xuất hiện những giọt dịch vi khuẩn hình tròn nhỏ, có màu vàng đục, khi keo đặc rắn cứng có màu nâu hổ phách. Chú ý bệnh bạc lá dễ nhầm lẫn với bệnh vàng lá, khô đầu lá do sinh lý, do đó cần phân biệt rõ để phòng trừ đúng, hiệu quả.
Cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là sau những đợt mưa giông. Khi thấy bệnh xuất hiện, dừng ngay việc bón phân đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, các loại phân bón lá và luôn giữ đủ nước trong ruộng; bón phân cân đối hợp lý, tăng cường kali để tăng sức đề kháng cho cây. Có thể sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất như: Streptomicin sulfate, Kasugamicin, Gentamicin sulfate, Fosetyl Aluminium... nhưng phải phun sớm, nhất là trước hoặc ngay sau đợt mưa giông.
Sâu cuốn lá thường xuất hiện và gây hại cây lúa từ giai đoạn mạ đến làm đòng và trổ, trong đó lứa sâu gây hại lúc lúa làm đòng gây ảnh hưởng lớn đến năng suất nhất. Lá lúa bị cuốn, sâu non ăn biểu bì mặt trên và diệp lục của lá dọc theo gân lá tạo thành những vệt trắng dài. Các vệt này có thể nối liền với nhau thành từng mảng làm giảm diện tích quang hợp. Để phòng, trừ sâu cuốn lá, nông dân cần vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, điều chỉnh mật độ gieo cấy phù hợp, bón phân cân đối, hợp lý, đặc biệt tránh bón thừa đạm, bảo vệ thiên địch trên đồng ruộng. Tiến hành phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ trên những diện tích có mật độ sâu non cao (từ 50 con/m2 trở lên đối với giai đoạn đẻ nhánh, từ 20 con/m2 trở lên đối với giai đoạn làm đòng) bằng các loại thuốc như: Dylan 10WG, Mapwin 45WP, Angun 5WG… phun khi sâu non hoặc sau khi bướm ra rộ 5 - 7 ngày.
Rầy nâu là đối tượng dịch hại gây thiệt hại đến năng suất, sản lượng lúa lớn nhất vụ đông xuân, cần được phát hiện và phòng trừ sớm để mang lại hiệu quả cao. Rầy sinh sống và gây hại chủ yếu nơi gốc lúa. Cả rầy non và trưởng thành đều gây hại làm cho cây lúa vàng, còi cọc, chết khô (gọi là hiện tượng cháy rầy) làm mất năng suất. Ngoài thiệt hại do cháy rầy, rầy còn truyền bệnh vi rút vàng lùn, lùn xoắn lá và lúa cỏ. Nông dân cần thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện rầy sớm, tiến hành phun thuốc trừ rầy ở những nơi mật độ từ 500-700 con/m2 trở lên để hạn chế cháy rầy giai đoạn lúa trổ đến chín. Sử dụng các loại thuốc như: Chess 50WG, Trebon 10EC, Bassa 50EC… Chú ý khi phun thuốc phải đảm bảo lượng nước thuốc tối thiểu 20 lít/ sào, cần phun vào phần gốc lúa. Tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc.
Trong các bệnh nấm hại lúa hiện nay, bệnh khô vằn được xếp vào bệnh nghiêm trọng thứ hai sau bệnh đạo ôn và là loài bệnh gây ảnh hưởng đến năng suất lúa rất lớn. Các bẹ lá sát mặt nước hoặc bẹ lá già ở dưới gốc thường là nơi phát sinh bệnh đầu tiên. Bệnh gây hại trên bẹ lá, lá và cổ bông lúa. Các vết bệnh có hình bầu dục màu lục tối hoặc xám nhạt, sau lan rộng ra thành vết vằn da hổ dạng đám mây. Các lá già ở dưới hoặc lá sát mặt nước là nơi phát sinh trước sau đó lan lên các lá phía trên.
Trên vết bệnh ở các vị trí gây hại đều xuất hiện hạch nấm màu nâu, hình tròn dẹt hoặc hình bầu dục nằm rải rác hoặc thành từng đám nhỏ. Hạch nấm rất dễ rơi ra khỏi vết bệnh và nổi trên mặt nước ruộng rồi lây lan sang chỗ khác trong ruộng. Bệnh phát sinh và gây hại mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao. Tốc độ lây lan phụ thuộc nhiều vào thời tiết mưa nhiều, lượng nước trong ruộng quá cao, đặc biệt ở vùng gieo dày.
Giai đoạn lúa làm đòng, trỗ đến chín sáp là thời kỳ nhiễm bệnh nặng nhất. Khi bón thừa đạm, bón đạm muộn, bón không cân đối N-P-K cùng với cấy mật độ cao tạo điều kiện cho bệnh phát triển mạnh. Nông dân cần làm vệ sinh đồng ruộng, thu gom sạch tàn dư cây bệnh từ vụ trước; cày bừa, xới đất kỹ để chôn vùi hạch nấm, hạn chế sức sống của chúng; bón phân cân đối, hợp lý, đảm bảo đúng mật độ. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phun trừ những diện tích lúa bị nhiễm bệnh khô vằn (có tỉ lệ từ 20% số dảnh bị bệnh trở lên), đặc biệt những ruộng lúa đang làm đòng, những ruộng lúa xanh tốt. Các loại thuốc hóa học có thể sử dụng để phun trừ bệnh như: Anvil 5SC, Nevo 330 EC, Tilf-Super 300 EC.
Hiện lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng, trổ và đến chín, đây là giai đoạn quyết định đến năng suất lúa. Vì vậy, nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh gây hại, thực hiện kịp thời và đúng cách các biện pháp trừ nhằm đảm bảo vụ đông xuân đạt kết quả tốt./.
baoquangtri.vn