Thường xuyên theo dõi, chủ động dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời, không để phát sinh và lây lan trên diện rộng; quản lý chuyên ngành về sản xuất trồng trọt, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, những cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang ngày đêm đồng hành với nông dân trong chăm sóc, bảo vệ cây trồng, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững.
Khảo nghiệm giống lúa TBR97 trên đồng ruộng Quảng Trị - Ảnh: L.A |
Bắt đầu triển khai từ vụ đông xuân 2020 - 2021 với quy mô 3 ha, sử dụng giống lúa ST24, mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP tại Hợp tác xã (HTX) An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong đã mang lại kết quả vượt trội, năng suất đạt 3,5 tạ/sào, cao hơn ruộng đối chứng 0,75 tạ/sào. Giá bán lúa ST24 lên đến 9.500 đồng/kg, cao hơn so với giống lúa HC95 là 1.300 đồng/kg. Trừ chi phí, lợi nhuận của ruộng mô hình lên tới 1,9 triệu đồng, cao hơn ruộng đối chứng 1 triệu đồng/ sào, tương đương 20 triệu đồng/ha. Còn trong vụ hè thu, với năng suất 3 tạ/sào, lợi nhuận của ruộng mô hình vẫn đạt 1,4 triệu đồng/sào, cao hơn ruộng đối chứng 800.000 đồng/sào.
Giám đốc HTX An Lợi Lê Văn Lại cho biết, nhờ được cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) liên huyện Triệu Phong - thị xã Quảng Trị hướng dẫn kỹ thuật, bên cạnh có được lợi nhuận cao, hiệu quả mang lại khi thực hiện mô hình còn thể hiện rõ trong cả quá trình sản xuất, từ việc đảm bảo thời vụ gieo trồng, thực hiện quy trình bón phân, chăm sóc, quản lý dịch hại theo đúng từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Thông qua mô hình đã thay đổi tập quán canh tác, tuân thủ đúng quy trình từ làm đất, gieo sạ cho đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đáng chú ý là việc áp dụng công cụ sạ hàng, vừa tiết kiệm nguồn giống vừa thuận lợi trong chăm sóc, hạn chế sử dụng thuốc BVTV, vừa tạo điều kiện cho cây đẻ nhánh dày, nhiều bông.
“Cán bộ trạm TT&BVTV thường xuyên cùng chúng tôi theo dõi sự sinh trưởng của lúa, điều tra sâu bệnh hại. Căn cứ vào tình hình thực tế, hướng dẫn bón phân, phun thuốc hợp lý, hạn chế lạm dụng thuốc BVTV, không những giảm chi phí sản xuất, mà năng suất lại tăng lên đáng kể”, ông Lại cho hay.
Theo Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Hoàng Quang Dưỡng, mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP do Trạm TT&BVTV liên huyện Triệu Phong - thị xã Quảng Trị phối hợp thực hiện đã giúp nông dân nắm vững các biện pháp thâm canh lúa tổng hợp như sử dụng giống lúa có năng suất, chất lượng cao. Gieo cấy tập trung, bón phân cân đối, chú trọng bổ sung phân chuồng hoai mục và phân vi sinh. Sử dụng thuốc BVTV đúng cách, đúng chủng loại. Giảm chi phí sản xuất và mang lại lợi nhuận cao hơn. Bên cạnh đó, nông dân cũng ý thức được việc không vứt vỏ chai thuốc BVTV bừa bãi ngoài ruộng như trước mà thu gom đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
“Đây là tiền đề để nhân rộng và tạo sức lan tỏa mô hình sản xuất VietGAP trên địa bàn huyện trong thời gian tới, hình thành nên những vùng sản xuất lúa được ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nghiêm ngặt. Tạo ra các sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh cao, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, ông Dưỡng khẳng định.
Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Bùi Phước Trang cho biết, năm 2021 là năm gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai cuối năm 2020, diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt những tác động của COVID-19 đã ảnh hưởng lớn sản xuất, dân sinh trên địa bàn tỉnh. Với sự chủ động, kịp thời trong công tác tham mưu, xây dựng phương án tổ chức sản xuất; tăng cường điều tra, dự tính dự báo các loại dịch hại trên cây trồng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, giống mới vào sản xuất…, kết quả, nhiều chỉ tiêu của đơn vị đã đạt và vượt kế hoạch đề ra như sản lượng lương thực có hạt đạt trên 29,4 vạn tấn, cao nhất từ trước đến nay; năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 55,6 tạ/ha, cao hơn 1,3 tạ/ha so với năm 2020; diện tích lúa chất lượng cao đạt 38.000 ha; thiệt hại do sâu bệnh gây ra dưới 1 % tổng sản lượng…
Bên cạnh đó, với chức năng là đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành về sản xuất trồng trọt, giống cây trồng nông nghiệp, phân bón, thuốc BVTV, kiểm dịch thực vật…, trong năm 2021, Chi cục TT& BVTV đã tiến hành 2 đợt điều tra các đối tượng thuộc diện kiểm dịch thực vật, đối tượng dịch hại nguy hiểm trên cây sắn và 1 đợt thu thập mẫu, phân tích, giám định các đối tượng dịch hại nông sản tại các trung tâm, cơ sở kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh. Tiến hành 7 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 196 tổ chức, cá nhân hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc BVTV, phân bón và giống cây trồng. Phát hiện và xử lý theo quy định 5 cơ sở buôn bán vật tư nông nghiệp chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật. Lấy mẫu kiểm định 13 mẫu thuốc BVTV đang lưu thông trên thị trường, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 1 mẫu không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Đã tổ chức 110 lớp tập huấn về sản xuất, quản lý các đối tượng dịch hại trên các loại cây trồng, quy định của pháp luật về kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp… thu hút trên 5.100 lượt người tham gia. Xây dựng, chuyển giao 18 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ theo chuỗi. Các mô hình bước đầu đã mang lại kết quả cao, giúp nông dân tiếp cận và ứng dụng vào sản xuất. Điển hình như mô hình quản lý nhện gié hại lúa đã giảm tỉ lệ hại của nhện gié xuống thấp, tăng hiệu quả kinh tế từ 2 - 5 triệu đồng/ha so với ruộng đại trà. Mô hình quản lý bệnh khảm lá sắn đã giảm tỉ lệ bệnh hơn 14% và tăng năng suất từ 5 - 10 tấn/ha so với sản xuất thông thường. Mô hình chanh leo đã tăng năng suất từ 3,3 - 6,3 tấn/ha, hiệu quả kinh tế tăng từ 26 - 32 triệu đồng/ha. Mô hình chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ trên cây cam, bưởi của Công ty Cổ phần nông sản hữu cơ Bàu Giàng đã gia tăng giá trị lên 100 - 150 triệu đồng/ ha… Quản lý theo dõi thử nghiệm 20 giống lúa và 2 giống sắn mới trên địa bàn tỉnh. Qua đánh giá đã đề xuất một số giống lúa triển vọng như ĐD2, Dự Hương 8, VNR20, DQ11, TBR97, ST24, ST25 bổ sung vào sản xuất vụ đông xuân 2021- 2022.
Ông Bùi Phước Trang cho biết, năm 2022, đơn vị tập trung vào việc cơ cấu lại lĩnh vực TT&BVTV theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trước hết là tổ chức thành công sản xuất nông nghiệp trong điều kiện giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao. Phấn đấu sản lượng lương thực có hạt đạt trên 26 vạn tấn. Diện tích lúa sản xuất theo cánh đồng lớn hơn 10.000 ha, có trên 1.000 ha có liên kết tiêu thụ sản phẩm; 550 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, canh tác tự nhiên. Diện tích lúa chất lượng cao đạt trên 80% diện tích gieo cấy. Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và sẵn sàng biện pháp phòng, chống các loại dịch hại nguy hiểm trên cây trồng, giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra trên các cây trồng chính dưới 5% sản lượng.
Duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, xây dựng các mô hình sản xuất mới, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ. Chú trọng chuyển đổi số trong nông nghiệp, hướng dẫn, đồng hành để đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích nông dân sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV sinh học, từ đó hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Baoquangtri.vn