Triệu Thượng là một xã vùng gò đồi bán sơn địa, địa bàn chia thành 2 vùng rõ nét. Vùng gò đồi thuận tiện cho việc phát triển kinh tế trồng cây lâm nghiệp, cây cao su tiểu điền, cây ăn quả…. Vùng biền bãi có thế mạnh là phát triển kinh tế vườn gắn với cải tạo vườn tạp.
Mô hình chanh dây Hộ Phan Thị Lành, thôn Nhan Biều 3, xã Triệu Thượng
Những năm qua, phát huy vai trò của tổ chức Hội Nông dân xây dựng tổ chức hội vững mạnh, là vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế, tái cơ cấu sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020 định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 42 của UBND huyện Triệu Phong; Kế hoạch phát triển kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp của UBND xã. Ngoài những mô hình phát triển kinh tế vùng gò đồi, phát triển kinh tế vườn hiện có như mô hình trồng bưởi thanh trà, cam vân du và các loại cây ăn quả khác…
Năm 2019, Hội phối hợp với UBND xã tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm một số mô hình kinh tế có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, trong đó có mô hình trồng cây chanh dây ở xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa có khả năng phù hợp với địa bàn xã Triệu Thượng nói riêng và huyện Triệu Phong nói chung. Đây là loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế, qua nghiên cứu về sinh lý, sinh thái loại cây này dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, ít sâu bệnh, giá cả ổn định, phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Tháng 10 năm 2019, Hội Nông dân phối hợp với UBND xã triển khai thực hiện mô hình khảo nghiệm cây chanh dây với diện tích 1000 m2 (2 sào) tại hộ bà Phan Thị Lành và được sự hỗ trợ cho vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân huyện Triệu Phong. Sau gần 8 tháng xuống giống đến nay đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.
Chị Phan Thị Lành – Hộ tham gia mô hình tâm sự: “Nhờ học hỏi kinh nghiệm sau chuyến tham quan mô hình tại Hướng Hóa, gia đình tôi đã tiến hành chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật nên cây phát triển tốt, đã cho thu hoạch. Chúng tôi nhận thấy cây chanh dây bước đầu rất phù hợp với vùng đất cát pha ở Triệu Thượng. Cây chanh dây cho năng suất cao từ 5 – 7 tạ/1 sào (thu hoạch đợt 1), giá cả ổn đinh, giao động từ 15.000 đ- 20.000 đ/kg. Hiện đang chăm sóc cho ra hoa đợt 2, tiếp tục thu hoạch trong 2 năm tiếp theo. Trong thời gian tới gia đình chúng tôi sẽ mở rộng thêm diện tích để phục vụ nhu cầu thị trường”.
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hộ gia đình đầu tư trồng thử nghiệm mô hình chanh dây, Hội Nông dân huyện Triệu Phong đã hỗ trợ cho vay vốn số tiền 40 triệu đồng từ “Quỹ hỗ trợ nông dân”. Qua nguồn vốn đó, vợ chồng chị Lành đã đầu tư làm giàn leo, đúc trụ, mua giống, phân bón. Mặc dù cây chanh dây mới đem vào trồng thử nghiệm trên vùng đất gò đồi Triệu Thượng nhưng đã thể hiện được ưu thế vượt trội như: Dễ trồng, dễ chăm sóc, sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng cho giá trị kinh tế cao. Nếu giá cả ổn định như thời gian gần đây từ 15 - 25.000 đồng/1 kg thì cây chanh dây sẽ cho thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác.
Với vai trò của Hội, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã trong thời gian tới vừa tập trung vận động tuyên truyền, vừa tạo điều kiện thông qua quỹ hỗ trợ nông dân của huyện hỗ trợ nông dân vay vốn để phát triển loại cây chanh dây này. Ngoài ra, Hội đang liên hệ với trường Trung cấp Nông nghiệp Quảng Trị tổ chức lớp dạy nghề về trồng cây chanh dây cho 30 hộ nông dân trong thời gian tới.
Với những tín hiệu vui bước đầu từ mô hình trồng thử nghiệm chanh dây trên vùng gò đồi sẽ tạo cơ sở để xã Triệu Thượng nói riêng và huyện Triệu Phong nói chung có thể từng bước nhân rộng loại cây trồng mới đầy triển vọng này. Qua đó, dần thay thế một số loại cây trồng giá trị kinh tế thấp, góp phần giúp bà con nông dân phát triển kinh tế bền vững./.
Nguyễn Ngọc Hiếu, PCT Hội Nông dân xã Triệu Thượng