Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh đã chủ động, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể. Các Tổ hợp tác được thành lập và hoạt động có hiệu quả, tiêu biểu như Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt trên sông Ô Giang, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng.
Mô hình nuôi cá trên sông của anh Nguyễn Văn Văn ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng
Đến thôn Văn Trị, xã Hải Phong gặp gỡ và trao đổi với anh Nguyễn Văn Văn, tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt, anh cho biết: nghề nuôi cá lồng bè có từ năm 2005, ban đầu có khoảng 5-7 hộ tham gia mỗi hộ nuôi chỉ 01 lồng cá chình nhưng giá trị kinh tế khá cao, dần dần bà con trong thôn học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau đến nay có 21 hộ nuôi. Thấy được hiệu quả và sự liên kết giữa các hộ nuôi, tháng 2/2018; Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Hải Tân (tên cũ chưa sáp nhập) đã vận động bà con nuôi cá lồng ven sông Ô Giang thành lập Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt gồm 21 thành viên.
Tận dụng lợi thế và nguồn nước sạch Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt đã liên kết nuôi 35 lồng cá chình và 16 lồng cá leo. Giống cá mua ở Công ty Vạn Xuân tại Nha Trang với giá 750.000 - 1.000.000đ/kg/5con. Lồng nuôi được làm bằng nhôm rất chắc, có chiều cao 1,5m, rộng 2m, dài 5m, giá thành 30.000 triệu đồng, nhưng có thể sử dụng hơn 20 năm.
Anh Phạm Văn Thiện thành viên Tổ hợp tác chia sẻ, trước đây anh chỉ nuôi 01 lồng cá chình nhưng thấy hiệu quả, năm 2018 anh đã tham gia Tổ hợp tác và vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh cùng với vốn tích cóp đầu tư nuôi thêm 02 lồng gồm cá chình và cá leo. Đối với cá chình, trung bình mỗi lồng cá nuôi khoảng 200 con/12 khối nước, thời gian nuôi khoảng 18 tháng, trọng lượng của cá từ 2-3 kg/con, với giá bán từ 500.000 - 600.000đ/kg sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu lại 120.000 triệu đồng/lồng; cá chình có thời gan nuôi dài nhưng lợi nhuận cao hơn những loại cá khác và ít bị bệnh. Đối với cá leo thì thời gian nuôi ngắn hơn 3 tháng/lứa, mỗi năm nuôi 03 lứa, giá bán 100.000đ/kg, sau khi trừ chi phí mỗi lồng cá leo thu lãi khoảng 12 triệu đồng/lứa. Nguồn thức ăn của cá chủ yếu là các loại cá con, tôm, tép được các hộ nuôi đánh bắt trên sông nhưng đặc biệt phải là cá tươi.
Việc thành lập tổ hợp tác đã giúp các hộ dân nuôi cá lồng có sự liên kết chặt chẽ với nhau, một tháng tổ chức sinh hoạt 01 lần để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nuôi, tính toán chọn lựa nuôi loại cá nào cho phù hợp với điều kiện chăm sóc, môi trường sống. Bên cạnh đó, các thành viên trong Tổ hợp tác đã thống nhất liên kết giữa các hộ nuôi như lấy giống tại các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng; áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật nuôi, nuôi phải đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm.
Anh Nguyễn Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Phong trao đổi, Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt trên sông Ô Giang đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống của các thành viên được nâng lên. Thời gian tới, Ban Thường vụ Hội xã sẽ định hướng thêm để các thành viên mở rộng diện tích và nuôi thêm các loại cá như cá trắm, cá diêu hồng./.
Hồng Nhạn