Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, UBND xã Triệu Sơn về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển các mô hình canh tác tự nhiên trên địa bàn, trong những năm qua, Chi Hội nông dân Đồng Văn đã làm tốt công tác vận động hội viên, nông dân phát triển kinh tế, có nhiều mô hình sản xuất an toàn, hiệu quả.
Mô hình lúa sản xuất theo canh tác tự nhiên của hội viên nông dân thôn Đồng Văn
Được sự tài trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tổ chức Tầm nhìn thế giới, từ năm 2015 đến nay, Chi hội Nông dân thôn Đồng Văn đã tích cực tuyên truyền, vận động 11 thành viên là hội viên, nông dân duy trì mô hình canh tác tự nhiên trên cây lúa với diện tích 7,5ha cho năng suất cao. Vụ Đông Xuân 2019-2020 đạt 50 tạ/ha, sản lượng đạt 25,2 tấn. Bên cạnh tổ sản xuất lúa theo phương thức canh tác tự nhiên trong thôn còn có hai nhóm nuôi lợn sạch, hai nhóm nuôi gà sạch. Tất cả sản phẩm được cung cấp cho Hợp tác xã nông sản sạch Quảng Trị. Ông Lê Đình Hùng – Chi hội trưởng nông dân cho biết: thôn Đồng Văn xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 65ha/ 105 ha diện tích toàn xã. Trong đó, đối với ruộng dễ lấy nước, giữ nước liền kề nhau được chọn sản xuất mô hình canh tác tự nhiên; các hộ tham gia đều được tập huấn khoa học kỹ thuật về sản xuất sản phẩm an toàn và cam kết không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và diệt cỏ đối với lúa, các loại rau; không sử dụng thức ăn tăng trưởng đối với lợn, gà. Mô hình canh tác tự nhiên đã mang lại cho nông dân lợi nhuận cao hơn nhiều so với phương thức canh tác thông thường. Cùng với đó, mô hình đã giúp bảo vệ sức khỏe cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện hệ sinh thái đồng ruộng; tạo thói quen tốt cho nông dân…
Ông Đặng Dỉnh, thành viên tổ sản xuất lúa chia sẻ: trước đây sản xuất lúa dùng phân hóa học, giá bán thấp. Sau khi tiếp cận giống lúa năng suất cao, sử dụng chế phẩm ớt – tỏi – gừng… thay thế thuốc bảo vệ thực vật, dùng phân chuồng ủ thay thế phân hóa học nên chất lượng sản phẩm và năng suất cũng nâng lên, so với việc sản xuất lúa theo mô hình truyền thống chỉ cho 1,2 - 1,5 tạ/sào/vụ, thì nay năng suất lúa đã đạt 2,3 - 2,5 tạ/sào/vụ. Mừng hơn hết là sản phẩm được HTX nông sản sạch Triệu Phong thu mua với giá 9.000đ/kg, lúa thường bán giá 6.000 – 7.000đ/kg nên thu nhập gia đình tăng lên.
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động nông dân phát triển kinh tế, chi Hội chú trọng đến việc nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ vay vốn. Hiện dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội 3 tỷ đồng cho 80 hộ vay, Ngân hàng Nông nghiệp 1,5 tỷ cho 45 hộ vay. Được chi Hội tạo điều kiện vay vốn, năm 2017, anh Lê Bá Khánh đã mạnh dạn đấu 1,5ha diện tích đất hoang hóa của UBND xã trong thời hạn 20 năm để cải tạo trồng sen, nuôi cá và trồng keo lá tràm. Và anh cũng tham gia tổ sản xuất lợn sạch của thôn. Sau 3 năm đầu tư sản xuất, lợi nhuận thu từ cá, sen, lợn mỗi năm gần 150 triệu đồng đã giúp gia đình anh trở thành hộ nông dân sản xuất giỏi cấp cơ sở.
Năm 2020, xã Triệu Sơn được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, kết quả đó, có phần đóng góp quan trọng của Chi hội nông dân thôn Đồng Văn, trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn./.
Trần Thúy