Mặc dù là một xã nằm trong vũng úng trũng của huyện Hải Lăng, tiềm năng, lợi thế không bằng nhiều nơi khác nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, xã Hải Tân đã sớm hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là đã làm thay đổi diện mạo của các khu dân cư và nâng cao đời sống cho từng hộ gia đình. Ông Nguyễn Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Tân nói với chúng tôi rằng: Trên cơ sở đồ án quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới của xã, Hội xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là đối với 1 xã thuần nông phải tìm cách gì để làm cho thu nhập của người dân ngày càng cao.
Nuôi cá chình lồng trên sông Ô Giang
Trong 6 năm qua, Hội đã tích cực tuyên truyền, làm cho hội viên thấy rõ mình là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đã tìm các hình thức, biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ về vốn, mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao lên gần 660 ha, nuôi lợn siêu nạc, nuôi bò bán thâm canh, nuôi cá chình lồng, sen-cá, lúa-cá, nâng giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 76 triệu đồng. Bên cạnh đó khuyến khích các hộ gia đình khôi phục làng nghề truyền thống, mở mang các cơ sở thương mại, dịch vụ. Chính nhờ vậy, đời sống của từng hộ gia đình đã được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 28,5 triệu đồng, tăng 13,5 triệu đồng so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14% năm 2011 xuống còn 3,6%.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, trong 6 năm qua, xã Hải Tân đã huy động được gần 91,3 tỷ đồng đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Cho đến nay, tất cả các trục đường thôn, ngõ xóm đã được bê tông hóa, có hệ thống đèn thắp sáng đường quê, các trường học đều đạt chuẩn, chợ xã được xây dựng đáp ứng nhu cầu buôn bán của người dân. Các thiết chế văn hóa được nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao. Người dân không chỉ hiến 4500 mét vuông đất, phá dỡ vật kiến trúc, chặt bỏ cây cối mà còn đóng góp công sức và tiền của để xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. Đặc biệt từng gia đình đã tự giác chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, sửa chữa, xây dựng mới cổng, tường rào, xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Hiện tại trên địa bàn không còn nhà ở dột nát, tạm bợ, có 95% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 100% cơ quan, đơn vị đạt đơn vị văn hóa. Với những thành tích đạt được, năm 2016, Hải Tân là 1 trong 13 xã đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Bùi Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã Hải Tân, huyện Hải Lăng nhấn mạnh: Có được kết quả đó, điều quan trọng nhất là cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm cho mỗi một cán bộ, đảng viên, hội viên và người dân hiểu rõ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Quá trình thực hiện, cùng với việc ban hành đồng bộ hệ thống các quy hoạch, đề án, cơ chế, chính sách, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, mạnh dạn trao quyền tự chủ cho người dân và cộng đồng, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt nêu cao vai trò của cán bộ, xem đây là 1 trong những nhân tố quan trọng, từ Ban chỉ đạo cấp xã đến Ban quản lý ở các thôn tăng cường công tác quản lý, điều hành và thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động diễn ra tại địa phương, sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, thực hiện quy chế dân chủ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi.
Hiện nay xã Hải Tân xác định nhiệm vụ quan trọng là tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được để tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó cùng với tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đối với 1 xã thuần nông, điều quan trọng là tìm các biện pháp để tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng khoa học và công nghệ, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường./.
Bá Thuần