Huyện Hướng Hóa hiện có hơn 90.000 dân bao gồm 3 dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Kô cùng sinh sống ở 22 xã, thị trấn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số. Huyện có diện tích tự nhiên hơn 115.000 ha, trong đó đất có khả năng sử dụng nông nghiệp khá lớn, điều kiện khí hậu, thời tiết thuận lợi để sản xuất các loại cây trồng, con nuôi mang giá trị hàng hóa cao.
Nông dân Hướng Hóa thu hoạch cà phê.Ảnh:Công Điền |
Những năm gần đây, cùng với phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động, sản xuất phát triển kinh tế gia đình, chung sức xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân Hướng Hóa đã có những hoạt động thiết thực và thực sự trở thành người bạn đồng hành trợ giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên khá, giàu.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác xóa đói giảm nghèo, nâng dần đời sống kinh tế gia đình hội viên, chung sức xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây cùng với đổi mới nội dung phương thức hoạt động, tạo sự gắn bó mật thiết hội viên với tổ chức hội, Hội Nông dân Hướng Hóa đã tích cực tuyên truyền vận động nông dân các dân tộc trong huyện tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình hành động của địa phương, hăng hái tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Mặt khác, hội thường xuyên tổ chức hướng dẫn các mô hình trình diễn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Từ năm 1996 đến năm 2016, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các ngành, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm Dạy nghề tổng hợp huyện tổ chức trên 92 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 2.786 hội viên nông dân, phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức trên 85 lớp tập huấn kỹ thuật cho hơn 4.200 hội viên về trồng rau an toàn, trồng, chăm sóc cao su, kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, nuôi cá nước ngọt.
Triển khai trên 28 mô hình về nuôi lợn bản, nuôi cá rô phi đầu vuông, cá chình, gieo cấy lúa nước năng suất cao cho Hội Nông dân các xã: Tân Lập, A Túc, Hướng Tân và thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo; phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y huyện tổ chức 50 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho các loại cây trồng, vật nuôi với hơn 4.800 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham gia; phối hợp với các công ty sản xuất phân bón tổ chức 7 đợt hội thảo về chất lượng, hiệu quả phân bón cho hơn 1.000 hội viên nông dân các xã Tân Liên, Tân Lập, Hướng Tân, Húc, Hướng Phùng, thị trấn Khe Sanh, phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ 30 vạn cá giống các loại, 4 bò đực giống, hàng ngàn giống cây bời lời đỏ cho các hộ nông dân ở xã Hướng Sơn, Hướng Tân.
Đặc biệt, để trợ giúp nguồn vốn cho nông dân đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, mở mang các ngành nghề dịch vụ, Hội Nông dân huyện đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quỹ Hỗ trợ nông dân thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn, đôn đốc thu hồi các nguồn vốn đến hạn, thẩm định giải ngân kịp thời vốn vay cho các hộ nông dân. Đồng vốn vay đã được nông dân sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, đầu tư khai hoang đất bằng sản xuất lúa nước, khai hoang đất đồi trồng sắn nguyên liệu, quy hoạch vườn nhà, vườn đồi trồng cây công nghiệp cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Chăn nuôi trâu bò đàn, lợn dê, đào ao nuôi cá nước ngọt, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, mở mang các ngành nghề dịch vụ, tạo việc làm, tăng thu nhập, đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân có đời sống khá giả như hộ ông Mai Chiến Hữu ở thôn Long Hợp; hộ bà Đỗ Thị Phụng ở thôn Long Thành, xã Tân Long thu nhập từ trồng chuối bình quân hàng năm từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng; hộ ông Hồ Xuân Rang ở bản 3, xã Thuận; hộ bà Hồ Thị Thanh ở thôn Tăng Quan, xã A Xing; hộ ông Hồ Xuân Tun ở thôn Cu Ty, xã Hướng Lộc… trồng cây lương thực, công nghiệp, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi đem lại thu nhập cao; hộ ông Võ Chánh Thi ở thôn Hướng Đại, hộ ông Lê Kim Phước ở thôn Hướng Độ, xã Hướng Phùng thu nhập hàng năm từ trồng cây cà phê, hồ tiêu hơn 600 triệu đồng; hộ ông Lê Thu ở thôn Bích La Đông, xã Tân Thành; hộ ông Nguyễn Hữu Đoài ở khóm Trung Chín, thị trấn Lao Bảo; hộ bà Nguyễn Thị Gái ở thôn Thuận Trung 2, xã Thuận kinh doanh dịch vụ vận tải, xây dựng, dịch vụ tổng hợp thu nhập hàng năm hàng trăm triệu đồng…
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Bình quân hàng năm, số lượng hội viên nông dân đăng ký nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng 10%, chiếm 30% tổng số hộ nông dân trên địa bàn huyện, riêng giai đoạn 1996 - 2016 toàn huyện có 1.653 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, nhờ vậy đã góp phần tích cực vào công tác xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Thực tế trong những năm qua đã khẳng định những hoạt động thiết thực, hiệu quả của Hội Nông dân Hướng Hóa đã trợ giúp hội viên nông dân, nhất là nông dân người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các bản làng vùng sâu, vùng xa thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn xóa đói giảm nghèo, áp dụng khoa học kỹ thuật đầu tư tăng gia sản xuất, lập trang trại, gia trại, mở mang các ngành nghề dịch vụ… từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của quê hương, làm cho đời sống kinh tế của nông dân và cảnh quan bộ mặt nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Hướng Hóa ngày càng khởi sắc.
Theo baoquangtri.vn