Trong giai đoạn 2017 - 2022, Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” (Phong trào Nông dân sản xuất giỏi) của Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao. Vì vậy, đã thu hút được đông đảo các hộ nông dân tham gia phong trào và ngày càng có nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Bình quân hàng năm đã có hơn 49.000 hộ nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (chiếm 60% so với tổng số hộ nông dân trong tỉnh). Số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đạt 25.254 hộ chiếm 55,91% số hộ đăng ký. Trong đó cấp cơ sở 20.113 hộ, cấp huyện 4.318 hộ, cấp tỉnh 739 hộ, cấp trung ương 84 hộ. Nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, thu hút hàng chục lao động, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Tỉnh Quảng Trị vinh dự có 04 đại biểu đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, được chọn tham dự Hội nghị tổng kết Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” lần thứ VI, giai đoạn 2017 - 2022 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9/2022.
Đồng chí Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao Bằng khen của Trung ương Hội cho 04 đại biểu sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Quảng Trị và các tỉnh khác.
Bốn gương mặt tiêu biểu gồm ông Võ Doãn Thụ tại khu phố 8, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh; đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam Xuất sắc năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI (giai đoạn 2017-2022).
Khởi nghiệp từ năm 2005, sau khi nắm bắt được thị trường chăn nuôi trong tỉnh và nhu cầu của bà con nông dân, ông đã quyết định vay nguồn vốn lớn hơn đầu tư mở đại lý bán thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và con giống: vịt, gà, lợn phân phối 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng trị, cung ứng hàng cho 15 đại lý trên địa bàn Vĩnh Linh. Năm 2018, ông mạnh dạn đầu tư xây một trang trại lợn nái với diện tích 1ha quy mô công nghệ cao khép kính 4 dãy chuồng lạnh, tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng bao gồm: một phòng khử trùng, một trại lợn hậu bi, một trại nái chửa, một trại nái đẻ, một trại úm lợn sữa và một phòng lấy tinh. Với quy mô 300 con lợn nái mỗi năm gia đình ông cung cấp khoảng 10.500 con lợn giống cho các trang trại chăn nuôi trên địa bàn hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình. Năm 2020 ông tiếp tục mở thêm trang trại lợn thịt với diện tích 3 ha quy mô khép kính 4 dãy chuồng lạnh theo công nghệ cao nhằm hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng, mỗi đợt nuôi 2.500 con/ sản lượng 750 tấn (3 đợt/năm). Đến nay, với 02 trang trại lợn nái, lợn thịt và là đại lý lớn cung cấp hàng hóa cho hơn 200 đại lý trong và ngoài tỉnh; sau khi trừ chi phí lợi nhuận một năm gia đình ông thu được khoảng 2 tỷ đồng. Tạo công ăn việc làm cho 20 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 8 - 12 triệu đồng/người /tháng và 10 lao động theo thời vụ với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, ông đã trực tiếp hỗ trợ hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất cho 15 hộ nghèo khó khăn về con giống lợn, gà với số tiền 150 triệu đồng và giúp đỡ tận tình cho các hộ gia đình khác về kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi để bà con có thể áp dụng vào sản xuất của các hộ kinh doanh cá thể; hỗ trợ 1.000 suất quà, 5 vạn con gà giống, tổng trị giá 827 triệu đồng cho góp phần chia sẻ với bà con, con em địa phương và các cháu ở khu vực miền núi trong đại dịch Covid - 19 và lũ lụt trong những năm qua.
Bà Trương Thị Diễm tại thôn Đông Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen trong Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI (giai đoạn 2017-2022).
Năm 2012 với số vốn ban đầu là 400 triệu đồng, bà Diễm phối hợp với Công ty cổ phần NICOTEX chuyên sản xuất phân bón để làm đại lý cấp 1. Đến nay, bà đã sở hữu một đại lý lớn chuyên cung cấp phân bón và vật tư nông nghiệp tại tỉnh Quảng Trị, địa bàn phân phối trong và ngoài tỉnh như: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định; đầu tư mua 02 chiếc xe vận tải chuyên vận chuyển phân bón cung ứng cho các đại lý nhỏ khác. Đặc biệt là để tạo điều kiện cho bà con nông dân trong vùng ở các xã Hải Trường, Hải Phong, Hải Sơn, Hải Chánh… đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống bà đã cho bà con mua phân bón với phương thức trả chậm, đến vụ bà con lấy phân bón và vật tư nông nghiệp để kịp mùa vụ, sau thu hoạch thì thanh toán cho đại lý. Sau khi trừ chi phí, thu nhập mỗi năm của gia đình bà từ 3-3,5 tỷ, tạo việc làm cho 15 lao động có thu nhập bình quân từ 10-15 triệu đồng/tháng.
Gia đình bà cũng tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện ở địa phương cũng như đóng góp các nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ tình nghĩa; hỗ trợ các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở thôn, xã như hàng năm tặng 50 chiếc áo và 2,5 triệu đồng cho giải đua thuyền mừng Đảng, mừng Xuân cho các đội tham gia giải của xã Hải Sơn; tặng 8.000 quyển vở cho học sinh các Trường TH và THCS ở xã Hải Trường, xã Hải Sơn và 100 suất quà tết mỗi suất 1 triệu đồng cho các hộ nghèo 03 xã Hải Sơn, Hải Phong, Hải Trường và 50 xuất quà cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Hải Sơn…
Ông Trần Xuân Quý, thôn Ba Tư, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen tại Hội nghị tổng kết Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, biểu dương nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI (giai đoạn 2017-2022).
Với đặc thù là địa bàn vùng biển bãi ngang, cát trắng bạc màu điều kiện phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần vượt khó, muốn làm giàu trên quê hương; năm 2015 ông Quý quyết tâm thử nghiệm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, bước đầu thuê 0,6 ha đất để xây dựng 1 ao nuôi tôm. Với mức đầu tư 300 triệu đồng cho cơ sở vật chất ban đầu, qua vụ thứ nhất thả 60 vạn con giống với thời gian nuôi 100 ngày thu hoạch được 7,5 tấn, sau khi bán trừ chi phí lãi ròng 160 triệu; vụ thứ 2 thu hoạch được 8 tấn, lãi ròng 180 triệu. Sau vụ thứ 3 vào đầu năm 2017, năng suất đạt 9,3 tấn, lãi ròng 250 triệu. Gia đình ông tiếp tục mở rộng tăng diện tích. Đến nay mô hình lên đến 2 ha mặt nước, tổng thu nhập hàng năm sau khi trừ chi phí lãi gần 1,5 tỷ đồng; giải quyết cho trên 15 lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng. Trong suốt quá trình xây dựng mô hình và nuôi tôm, gia đình ông đã hướng dẫn bà con về kỹ thuật làm ao, làm giếng lấy nước mặn, kỹ thuật xử lý môi trường và chăm sóc tôm. Ngoài ra, còn cho bà con vay mượn không tính lãi 10 hộ, hơn 300 triệu đồng; ủng hộ quỹ người nghèo, quỹ khuyến học địa phương hàng năm trên 10 triệu đồng; quyên góp ủng hộ cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các gia đình chính sách, các cụ già neo đơn…
Ông Nguyễn Văn Ngọc, khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen trong Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI (giai đoạn 2017-2022).
Trước đây, gia đình ông Ngọc đầu tư một con thuyền công suất 250CV để đánh bắt thủy hải sản, khai thác gần bờ nên hiệu quả thu nhập không cao. Từ khi có Nghị định 67/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ cho vay nguồn vốn lớn lãi suất ưu đãi. Ông đã vay vốn đóng mới 01 con tàu võ gỗ có công suất 800CV và trang bị các máy móc trang thiết bị hiện đại như máy bộ đàm, máy ra đa, máy định vị, máy định dạng, máy nhật ký hành trình trị giá 6 tỷ đồng để đánh bắt khai thác thủy hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Do đánh bắt khai thác ngư trường xa khơi phải bám biển dài ngày, ông đã sáng tạo ra đóng hầm lạnh để bảo quản hải sản từ hầm bằng xốp chuyển qua hầm bằng chất liệu PU để bảo quản sản phẩm lâu ngày hơn và không sử dụng các chất cấm của ngành thủy sản. Tàu cá của ông tạo việc làm thường xuyên cho 09 lao động, thu nhập bình quân hàng năm là 10 - 12 triệu đồng/lao động/tháng. Lợi nhuận thu được sau khi đã trừ chi phí là 1,4 tỷ đồng/năm.
Ngoài việc khai thác đánh bắt thủy hải sản, ông còn tích cực tham gia câu lạc bộ tự quản tàu thuyền, lực lượng dân quân biển. Thường xuyên thông tin cho nhau về ngư trường khai thác; thông tin cho các cơ quan chức năng về tình hình an ninh trên biển. Điển hình như năm 2019, tàu cá ông hỗ trợ cho 7 ngư dân ở Nghệ An gặp tai nạn trên biển về chỗ ăn ở đến khi ổn định sức khỏe và hỗ trợ tiền xe giúp các ngư dân về nhà an toàn; năm 2021 ông đã lai dắt thành công 02 tàu bị sự cố trên biển vào bờ an toàn. Gia đình ông luôn tạo điều kiện giúp đỡ cho hội viên nghèo trên địa bàn cho vay mượn vốn phát triển sản xuất, trung bình mỗi năm cho mượn từ 200 đến 300 triệu đồng, hỗ trợ khu phố 40 triệu đồng xây dựng một đoạn đường bê tông đi vào lối xóm…
Trên đây là một trong số những nông dân tiêu biểu đại diện cho nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của toàn tỉnh đã xứng đáng nhận được phần thương cao quý và là nguồn động lực cho hội viên nông dân nổ lực phát triển kinh doanh, sản xuất, ngày có thêm nhiều gương điển hình mới trong những năm tiếp theo./.
Trần Thúy