Với lợi thế vùng cát ven biển, những năm gần đây nông dân xã Vĩnh Thái đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư xây dựng mô hình kinh tế mới, thực hiện liên kết nhóm hộ, thành lập Tổ hợp tác mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi cá lóc của hội viên Nguyễn Văn Phúc, thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái
Điển hình trong phát triển kinh tế ở xã, có mô hình nuôi cá lóc của Tổ hợp tác tại thôn Đông Luật. Nông dân đã thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lóc với 07 hộ tham gia. Qua 02 năm nuôi cho thấy, cá lóc thích nghi với thời tiết, khí hậu của địa phương, nguồn nước dồi dào và chất lượng nước đảm bảo, ít dịch bệnh cho nuôi cá lóc với sản lượng tương đối ổn định. Bình quân mỗi hộ, có 02 ao nuôi, diện tích 100m2, đầu tư mỗi ao nuôi từ 15 - 20 triệu đồng, chi phí để xây tường xung quanh ao, bạt lót đáy ao, hệ thống nước… Mỗi ao nuôi chi phí giống và thức ăn vào khoảng 160 - 190 triệu đồng.
Với thời gian nuôi từ 6 - 8 tháng/vụ cho thu hoạch, sản lượng cá đạt từ 5,5 -7 tấn/ao nuôi, giá bán dao động từ 48.000 - 52.000đ/kg, trừ các khoản chi phí, mỗi ao nuôi cho lợi nhuận từ 60 - 70 triệu đồng/hộ/năm. Đây là mức thu nhập tương đối ổn định và khá cao so với làm nông nghiệp tại địa phương, nơi mà vùng đất cát bạc màu, diện tích canh tác ít.
Hiện tại, vốn đầu tư của các hộ trong tổ hợp tác còn hạn hẹp, chi phí thức ăn khá cao nên số lượng ao nuôi chưa nhiều. Các hộ nông dân mong muốn, thời gian tới được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ nông dân để mở rộng quy mô đầu tư và nhân rộng mô hình trên địa địa bàn xã./.
Nguyễn Văn Thành