Hoạt động tư vấn pháp luât của Hội Nông dân là việc giải đáp, hướng dẫn chấp hành pháp luật, trợ giúp các dịch vụ pháp lý, là cầu nối giữa các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với hội viên nông dân trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, nâng cao văn hóa pháp lý, năng lực làm chủ Nhà nước và xã hội bằng pháp luật, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên nông dân.
Hội Nông dân huyện Hải Lăng tổ chức tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Mỹ Hạnh
Một số hình thức tư vấn pháp luật thường dùng là tư vấn trực tiếp bằng miệng, khi nông dân trực tiếp đặt vấn đề thì người cán bộ tư vấn trả lời ngay những yêu cầu, giải thích rõ bản chất của sự việc, giúp nông dân tìm ra những giải pháp nhanh chóng, để tháo gỡ những thắc mắc. Tuy nhiên muốn tư vấn đúng người cán bộ phải lắng nghe nông dân trình bày sự việc một cách khách quan trung thực, yêu cầu nông dân cung cấp các tài liệu liên quan đến việc cần tư vấn, sau đó cần tra cứu các tài liệu tham khảo theo đúng pháp luật. Nếu cần thiết khi chưa nắm chắc sự việc phải hẹn lại thời gian trả lời vào một dịp khác để khẳng định lại văn bản pháp luật cần áp dụng. Khi sự việc đơn giản, rõ ràng người cán bộ trả lời các vấn đề đã yêu cầu mang tính chất định hướng để nông dân lựa chọn những phương thức bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất. Trong quá trình tư vấn người cán bộ có thể kết hợp làm công tác hòa giải, giúp hai bên đương sự hòa giải, thỏa thuận với nhau để tìm một giải pháp thỏa đáng.
Hội thi nông dân tìm hiểu pháp luật và xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Mỹ Hạnh
Tư vấn bằng văn bản khi nông dân viết đơn gửi cho cán bộ tư vấn, nêu rõ yêu cầu của mình dưới dạng câu hỏi, đề nghị tư vấn bằng văn bản. Sau khi nghiên cứu kỹ những yêu cầu, trao đổi với họ những thông tin để khẳng định sự việc, tra cứu các văn bản pháp luật liên quan phục vụ cho việc tư vấn, trong trường hợp cần thiết, nếu yêu cầu của nông dân ngoài khả năng chuyên môn của mình thì có thể tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, ý kiến luật sư để làm rõ thêm sự việc trước khi trả lời.
Tư vấn qua điện thoại, đây là hình thức ít hiệu quả đối với các vấn đề phức tạp, do đó, người cán bộ tư vấn yêu cầu nông dân gặp trực tiếp để trao đổi, kiểm chứng tài liệu, sự việc, nếu những sự việc đơn giản thì hướng dẫn cụ thể cho nông dân.
Để hoạt động tư vấn pháp luật cho hội viên nông dân có hiệu quả thì người cán bộ tư vấn phải có một số kỹ năng tư vấn, phải biết lắng nghe, gợi ý để nông dân nói rõ vấn đề thắc mắc, chất vấn lại những yếu tố bất hợp lý, chưa rõ ràng, phân tích từng yêu cầu và trả lời trực tiếp, chốt lại các vấn đề vướng mắc và các giải pháp tháo gỡ. Khi hội viên nông dân đến yêu cầu tư vấn, cán bộ tư vấn phải từ tốn giải thích một cách mạch lạc, hòa nhã, vui vẽ và thân thiện. Để tránh tư vấn sai người cán bộ phải nghiêm túc thu thập, nghiên cứu và đánh giá chứng cứ một cách khách quan, chính xác, kiên nhẫn và thông cảm để tạo niềm tin cho nông dân, khi nắm được sự việc phải bảo đảm tính riêng tư và bí mật, tạo ra không khí thoải mái trong lúc tư vấn, trao đổi.
Hoạt động tư vấn pháp luật của Hội không phải là sự dẫn chiếu các văn bản quy phạm pháp luật để yêu cầu nông dân thực hiện, mà là sự giải thích các điều luật cụ thể khi áp dụng giải quyết cho từng trường hợp cụ thể của hội viên, tuyên truyền vận động, hướng dẫn để hội viên nông dân được rõ, nắm chắc câu chuyện của mình, từ đó chấp hành đúng các quy định của pháp luật, giải quyết những thắc mắc, mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, giải quyết những khiếu nại tố cáo của nông dân tại cơ sở./.
Nguyễn Đán