Hải Xuân là một xã nằm ở phía Bắc huyện Hải Lăng, toàn xã có 6 thôn, đời sống của người dân ở đây sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và nuôi cá nước ngọt là một trong những lợi thế của xã nhà.
Đồng chí Nguyễn Đán - Trưởng ban ĐH Qũy HTND tỉnh kiểm tra việc sử dụng vốn vay Qũy HTND tại xã Hải Xuân.
Với địa thế vùng đồng bằng, nước ngọt quanh năm, địa phương đã xây dựng quy hoạch vùng sản xuất, nhiều hộ đã đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất còn hạn chế, nên nông dân còn gặp nhiều khó khăn và trở ngại. Để hỗ trợ cho nông dân, Hội Nông dân xã Hải Xuân xây dựng Dự án: Đào ao nuôi cá nước ngọt bằng công nghệ sinh học nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế, tiềm năng đất đai của địa phương; áp dụng các khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Tổng số vốn thực hiện dự án là 706.400.000 đồng, trong đó: vốn tự có của các hộ tham gia dự án là 406.400.000 đồng, vốn đề nghị vay Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) là 300.000.000 đồng; số hộ tham gia dự án là 10 hộ; thời gian thực hiện dự án trong 24 tháng. Dự kiến tổng thu nhập sau 2 năm của dự án là 411.600.000đ, dự kiến thu nhập bình quân hộ tham gia là 20.580.000hộ/ năm.
Sau 3 tháng triển khai thực hiện dự án, các hộ đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, điển hình hộ anh Cáp Tâm, chi Hội thôn Trà Lộc, được vay 30 triệu đồng, anh đầu tư cải tạo hồ trên 3000 m2, nuôi cá rô phi đơn tính, cá chép, cá trắm, cà mè. Đến nay đã cho thu hoạch. Sau khi vay vốn, anh được tập huấn về ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi cá nước ngọt, cách xử lý nguồn nước, chế biến thức ăn, phòng và trị bệnh cho cá…. Nhờ có vốn vay nên anh mạnh dạn đầu tư thêm thức ăn công nghiệp nên các loài cá sinh trưởng và phát triển nhanh hơn, hiện nay anh đang xử lý ao hồ để nuôi vụ cá tiếp theo.
Sản phẩm cá rô phi thương phẩm của anh Cáp Tâm
Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân xã và Ban quản lý dự án tìm các giải pháp giúp nông dân tiếp cận thị trường, ký hợp đồng và liên kết để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Thành công của dự án là giúp nông dân liên kết trong sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho các hộ tham gia dự án. Đây là cơ sở để tiếp tục nhân rộng các mô hình, dự án khác trên địa bàn./.
Nguyễn Đán