Ngày 15/12/2017, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật lâm sinh – Viện Khoa học Lâm nghiệp tổ chức hội nghị tổng kết Dự án “Xây dựng và chuyển giao mô hình bếp đun cải tiến cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại Quảng Trị nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân”. Đến dự, về phía Quỹ Môi trường toàn cầu UNDP/GEF SGP có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiệu và Tiến sĩ Trần Thúc Sơn.
Quang cảnh hội nghị
Đầu năm 2016, Dự án “Xây dựng và chuyển giao mô hình bếp đun cải tiến cho đồng bào DTTS tại Quảng Trị nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân” khởi động. Bếp đun cải tiến có 3 ưu điểm quan trọng, đáp ứng yêu cầu của nông dân: hiệu quả, giá thành rẻ, độ bền cao. Bếp làm bằng gang gần như vĩnh cữu, chỉ đầu tư 1 lần, bếp đôi có thể đun 2 nồi cùng một lúc, tận dụng hết nhiệt lượng. Bước đầu, Ban điều hành dự án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa việc triển khai dự án trên địa bàn để chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn, địa phương, người dân hiểu và tham gia thực hiện dự án có hiệu quả. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn kỹ thuật sử dụng bếp đun cải tiến và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường với 600 người dân là đồng bào DTTS ở 20 xã thuộc 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa tham gia; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng và sử dụng tài nguyên rừng có hiệu quả; khảo sát tình hình thực tế tại địa phương, thiết kế sản xuất thử nghiệm và lấy ý kiến của người dân về sử dụng bếp đun cải tiến. Trước khi triển khai xây dựng mô hình, Ban điều hành dự án đã phối hợp với các cấp hội nông dân cùng nhóm chuyên gia chọn 50 hộ tự nguyện tham gia xây dựng thử nghiệm dự án (Đakrông 5 xã và Hướng Hóa 5 xã). Tháng 7/2017 chuyển giao 50 bếp cho 50 hộ gia đình tham gia mô hình thử nghiệm và rút kinh nghiệm. Mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 1 bếp đun cải tiến, được tập huấn và hướng dẫn sử dụng. Bước đầu, số hộ được hưởng lợi dự án cho rằng, bếp đun cải tiến có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với bếp kiềng 3 chân truyền thống. Tháng 1/2017, nhóm chuyên gia chuyển giao thêm 350 bếp đúc tại Hà Nội cho người dân 10 xã thuộc 2 huyện nói trên để sử dụng. Sau đó, chuyển giao công nghệ cho Công ty TNHH Khải Hoàn ở tỉnh Quảng Trị sản xuất thêm 500 chiếc hỗ trợ cho người dân vùng dự án. Đến nay, dự án đã nhân rộng tại 20 xã (Đakrông 10 xã, Hướng Hóa 10 xã) với tổng số bếp đun cải tiến đã hỗ trợ 900 cái với tổng kinh phí 795 triệu đồng, nguồn từ Quỹ Môi trường toàn cầu UNDP/GEF SGP tài trợ. Nhìn chung, người dân hưởng lợi dự án rất phấn khởi vì thấy được thuận lợi của bếp đun cải tiến, đặc biệt là tiết kiệm được nhiên liệu và góp phần bảo vệ rừng và môi trường.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả đạt được trong quá trình triển khai dự án thời gian qua. Đồng thời, kiến nghị với các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, tập huấn sử dụng và hỗ trợ bếp đun cải tiến cho đồng bào DTTS nói riêng, người dân có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh nói chung có điều kiện nấu ăn thuận tiện hơn. Đại diện dự án cũng cho rằng, trong thời gian tới sẽ đề xuất nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ, nhân rộng dự án ra toàn tỉnh.
Tin, ảnh: K.K.S