Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã được các cấp Hội Nông dân tập trung chỉ đạo, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức đã gắn hoạt động Hội với sản xuất và đời sống; khắc phục khó khăn, phát huy sức mạnh của nông dân trong việc phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị của tỉnh nhà.
Hội thảo nâng cao hiệu quả phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Ảnh: NN
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” phát triển sâu rộng, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, khai thác tiềm năng lợi thế, tiềm năng đất đai. Nông dân gieo trồng 82.718 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt 27 vạn tấn, phát triển sản xuất hàng hoá tập trung, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, diện tích cây lâu năm 31.160 ha; chăn nuôi phát triển ổn định, zêbu hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn; nông dân bám biển khai thác, đánh bắt xa bờ sản lượng hàng năm đạt 21.700 tấn, diện tích nuôi trồng thủy sản 3.341ha, sản lượng đạt 8.487 tấn; phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng rừng nâng độ che phủ rừng 48,3%. Nông dân đã liên kết trong sản xuất, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, gia trại, đem đến hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm tăng giá trị nông lâm, thủy sản hàng năm từ 3-4%, giúp nông dân vươn lên làm giàu ngay trên chính quê hương mình và giảm nghèo bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 21.691 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, góp phần giảm tỷ lên hộ nghèo của tỉnh năm 2011 là 16,41% đến cuối năm 2014 còn 9,42%.
Phong trào nông dân Quảng Trị xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nông dân, khắc phục khó khăn, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, không trông chờ ỷ lại, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nghĩa vụ người công dân, bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, yêu thương, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống, xây dựng tình làng nghĩa xóm, sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của quê hương, xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, khu phố văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội,… nông dân tham gia sôi nổi các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao vào các dịp lễ, tết do Hội và địa phương tổ chức như giải bóng chuyền Bông lúa vàng, đua thuyền, kéo co, hội thi Tiếng hát đồng quê, Nông dân với phòng, chống HIV/AIDS… tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 75.377 gia đình nông dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tự nguyện hiến đất, góp công xây dựng cơ sở hạ tầng, cải tạo vườn tạp, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, thắp sáng đường quê, bảo vệ môi trường nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 3 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí, số xã đạt từ 15-17 tiêu chí: có 3/117 xã; đạt từ 13-14 tiêu chí: 07/117 xã, đạt từ 10-12 tiêu chí: 36/117 xã, đạt từ 5-9 tiêu chí có 54/117 xã, đạt dưới 5 tiêu chí 14/117 xã, nông dân thực sự là chủ thể của nông thôn, đời sống được cải thiện.
Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng-an ninh bằng những việc làm thiết thực cán bộ, hội viên nông dân hướng về biển, đảo quê hương, hỗ trợ ngư dân bám biển, bám ngư trường, khai thác hải sản. Vận động con em nông dân thực hiện nghĩa vụ quân sự, lên đường nhập ngũ, đạt chỉ tiêu giao quân hàng năm, cảnh giác với âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, tạo ra sức mạnh tổng hợp giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương
Từ hiệu quả phong trào thi đua xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chất lượng hội viên và Hội cơ sở ngày càng được nâng lên, đã thu hút được nông dân tham gia tổ chức Hội. Trong 5 năm đã kết nạp trên 10.000 hội viên, đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 141 cơ sở Hội, 1.180 chi Hội với 89.278 hội viên, đạt tỷ lệ 85,3 % so với hộ nông nghiệp, vai trò, vị thế của tổ chức Hội ngày càng được phát huy và nâng cao, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, được các cấp ủy Đảng, chính quyền đánh giá cao.
Tuy nhiên, phong trào thi đua yêu nước trong các cấp Hội nông dân của tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Đó là nhận thức về công tác thi đua khen thưởng của một số cấp Hội chưa đầy đủ, dẫn đến phong trào thi đua ở nhiều địa phương chưa toàn diện, chưa đồng đều, việc giao chỉ tiêu bình xét thi đua chưa bám sát thực tế, chưa kịp thời. Trong thời gian tới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước của Hội là: tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh – quốc phòng; vận động nông dân thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với việc xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân./.
Nguyễn Đán