Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Đakrông đã tích cực triển khai, phong trào thi đua Sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững với nhiều cách làm hay, sáng tạo để thúc đẩy hội viên nông dân đổi mới phương thức sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, đổi mới.
Mô hình chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học ở thị trấn Krôngklang,huyện Đakrông
Để phong trào thực sự đi vào cuộc sống, các cấp Hội Nông dân huyện Đakrông đã tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, cách thức vận động thông qua việc chủ động xây dựng kế hoạch, phát động và ký giao ước thực hiện hàng năm. Với những mô hình cụ thể, giải pháp khả thi của từng hộ gia đình lấy đơn vị tổ chức thực hiện là chi Hội. Hội làm tốt công tác tuyên truyền giúp nông dân nâng cao nhận thức về phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên tinh thần đoàn kết, cần kiệm, vượt khó vươn lên, nên đã thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia. Hàng năm có 44.182 số hộ nông dân đăng ký, chiếm 67% so với hộ nông nghiệp. Hiện toàn huyện có 1166 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Hầu hết các đơn vị tổ chức phát động, theo dõi và tổ chức đánh giá được kết quả phong trào. Từ đó các mô hình thật sự hiệu quả đều được nhân ra diện rộng góp phần thay đổi cách làm ăn mới cho nông dân.
Qua phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Điển hình như: ông Đặng Quang Hữu, thôn Khe Van, xã Hướng Hiệp với mô hình trồng rừng và thu mua nông sản cho thu nhập hàng năm trừ chi phí trên 100 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động; ông Hồ Văn Hằng, thôn Ka Reng, xã Hướng Hiệp trồng rừng và chăn nuôi cho thu nhập mỗi năm trên 75 triệu đồng; ông Thái Thúc Quốc, thôn Tà Rụt 2, xã Tà Rụt với mô hình kinh doanh tổng hợp: Mua bán lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, có 02 ô tô vận tải cho thu nhập 800 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 - 4 lao động với mức thu nhập 2 triệu đồng/tháng; Trần Văn Cường: Thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên với mô hình sản xuất là trồng rừng, chăn nuôi, khai thác tôm, cá tự nhiên và kinh doanh buôn bán nhỏ, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm…
Phong trào thi đua còn góp phần quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo ở địa phương. Trong 5 năm qua, Hội đã phối hợp cùng với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đã giúp đỡ cho 241 hộ hội viên nông dân thoát nghèo, hiện nay hội viên nghèo, cận nghèo còn trên 1.600 hộ. Ngoài ra Hội còn phối hợp mở các lớp cho con em cán bộ, hội viên, nông dân tham gia học nghề, tập huấn khoa học kỷ thuật ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi; tư vấn kinh doanh buôn bán, du lịch cộng đồng, mỗi năm từ 3 - 5 đợt, mỗi đợt có trên 200 người tham gia. Phối hợp với chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện cho 1.842 hộ vay với tổng số tiền trên 150 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 94 tỷ đồng với 2.153 hộ vay.
Bằng sức mạnh tổng hợp từ chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và sự chủ động của cán bộ Hội các cấp, sự nỗ lực vươn lên của nông dân trong phong trào “thi đua Sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần làm chuyển biến sản xuất nông nghiệp của huyện, phát huy được nội lực, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, bước đầu đã hình thành vùng sản xuất tập trung với cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới, cải thiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân. Bà Nguyễn Thị Lượng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đakrông cho biết: “Trong những năm tới, Hội Nông dân huyện Đakrông sẽ tăng cường công tác vận động hội viên nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp đầu tư thâm canh để tăng năng suất, hiệu quả trên một đơn vị diện tích; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị đầu tư xây dựng mô hình điểm sản xuất có hiệu quả, mô hình tổ, nhóm hợp tác phát triển ngành nghề nông thôn; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư, cây trồng, vật nuôi; tổ chức dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho bà con nông dân; phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở nông thôn và hướng dẫn bà con nông dân liên kết, hợp tác trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... sẳn sàng chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm, giúp đỡ những hộ khó khăn vươn lên; biết sử dụng lao động một cách hợp lý, sử dụng đồng vốn một cách hiệu quả, quen dần với hạch toán sản xuất, kinh doanh; sản xuất gắn với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững để hướng đến giúp bà con nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn thoát nghèo bền vững, góp phần làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cộng đồng và quê hương./.
Hồ Sỹ Phùng