Trong những năm qua, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số; Nghị quyết số 02 - NQ/TU, ngày 04/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến 2025 định hướng đến năm 2030; Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn đến các cấp Hội tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác xây dựng tổ chức Hội: Các văn bản chỉ đạo từ trên xuống và báo cáo phản hồi dưới lên được chuyển qua phần mềm, nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính; thông qua Zalo, fecebook kết nối nhóm để chia sẽ thông tin (nhóm Thường trực, Thường vụ, Ban chấp hành…). Thông qua trang thông tin điện tử của Hội Nông dân tỉnh, cán bộ, hội viên trong toàn tỉnh có điều kiện khai thác, nắm bắt những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của Hội cấp trên; 100% cơ sở Hội được trang bị máy vi tính, kết nối mạng. Phần lớn nông dân sản xuất giỏi đã sử dụng điện thoại thông minh để cập nhật dữ liệu, khai thác thông tin, đây là điều kiện thuận lợi để hội viên nông dân ứng dụng công nghệ số. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong công tác quản lý nguồn vốn vay tín chấp của nông dân qua ngân hàng bằng phần mềm, kiểm tra giám sát giao ban định kỳ của ngân hàng và cơ sở trên hệ thống kết nối.
Đồng chí Đào Mạnh Hùng (người thứ 4 từ bên phải sang) - UVBTV Tỉnh ủy - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cùng các đồng chí đại biểu thăm các gian hàng nông sản
Đối với sản xuất nông nghiệp, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất kinh doanh mang hiệu quả cao như: Mô hình trồng dưa, bí, ớt trong nhà lưới của anh Lê Văn Sơn ở xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh; mô hình chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học của anh Vương ở xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh và các mô hình chăn nuôi gà gia công quy mô 5-10 ngàn con/lứa nuôi, được ứng dụng công nghệ mới như máng ăn, máng uống tự động; ứng dụng quy trình công nghệ cao trồng tiêu, chăm sóc lúa, chăn nuôi lợn, nuôi tôm hai, ba giai đoạn với hệ thống cảm biến tự động; dùng hệ thống camera để quản lý: mô hình nuôi cá lóc công nghệ cao của gia đình chị Nguyễn Thị Phương Thảo phường 2, thị xã Quảng Trị; mô hình chăn nuôi lợn, trồng lúa kết hợp với nuôi tôm càng xanh quy mô 7 ha của anh Hồ Văn Dương ở xã Thanh An, huyện Cam Lộ...
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh cùng Bưu điện tỉnh tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ nông dân Quảng Trị chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2022 - 2025: Mục tiêu phối hợp rà soát, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử; kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Trị Posmart và hệ thống bán hàng Bưu điện tỉnh gồm 140 điểm (trong đó 15 điểm tại các huyện, thị, thành phố và 125 điểm ở các xã, phường, thị trấn); triển khai các chương trình truyền thông về chuyển đổi số cho hội viên, nông dân. Kết quả bước đầu đã triển khai xây dựng được 30 gian hàng bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử Quang tri.Postmart.vn, với hơn 40 sản phẩm chủ yếu là sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và sản phẩm ocoop của các địa phương như: Tiêu Cùa, Bánh cốm gạo lứt mè đen và rong biển, Miến gạo Quảng Trị, nước mắm cá cơm Khai Hà, gạo sạch Triệu Phong…, sản lượng bán ngày càng gia tăng; năm 2021 đã đưa lên sàn thương mại điện tử 24.000 hộ; 6 tháng đầu năm 2022: 8.500 hộ.
Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, gắn tem truy xuất nguồn gốc chỉ dẫn địa lý để người tiêu dùng nhận biết nguồn gốc của nông sản như: Nhãn hiệu chuối Hướng Hóa, tiêu Cùa, tiêu Vĩnh Linh, gạo sạch Triệu phong…; bên cạnh đó Hội Nông dân tỉnh thực hiện các đề tài cấp tỉnh: Xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi Gà ri lai vàng rơm an toàn sinh học tại Quảng Trị; Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nuôi cá chình lồng tại Quảng Trị đã được bà con nông dân phát triển nhân rộng ở địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Cam Lộ.
Hội viên nông dân ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, biến bất lợi thành lợi thế phát triển, chuyển từ nền nông nghiệp số lượng sang chất lượng trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Thông qua chuyển đổi số và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới đã nâng cao chất lượng quản lý, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, gia tăng giá trị, sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Trong thời gian tới Hội Nông dân tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tăng cường công tác đào tạo kỹ năng số cho cán bộ Hội Nông dân các cấp; hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm và phát triển chuỗi giá trị cho hội viên nông dân. Đồng thời tiếp tục xây dựng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình điểm, ứng dụng các phần mềm, công nghệ mới trong sản xuất, quản lý, điều hành cho các cấp Hội, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên các lĩnh vực hoạt động góp phần đưa Nghị quyết số 02 - NQ/TU, ngày 04/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị về chuyển đổi số vào cuộc sống./.
Lê văn Mẫn