Những năm qua, được sự quan tâm của Hội Nông dân tỉnh, Huyện ủy và UBND huyện Hải Lăng, Hội Nông dân huyện Hải Lăng đã chỉ đạo các cơ sở Hội tích cực triển khai vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân. Hiện nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp do Hội Nông dân huyện quản lý trên 3 tỷ đồng giải quyết cho 89 hộ vay phát triển các mô hình: Chăn nuôi lợn, bò, gà, vịt, VAC tổng hợp, trồng nấm, hoa, cá chình lồng… và đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất và hướng dẫn hội viên xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, dịch vụ theo chủ trương phát triển kinh tế của huyện. Hội tích cực phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề thuộc các lĩnh vực về trồng trọt, chăn nuôi giúp các hộ vay áp dụng vào sản xuất. Từ đó, nhiều nông dân đã hình thành những mô hình kinh tế, liên kết hợp tác đầu tư có quy mô, hiệu quả và sức lan tỏa.
Mô hình tổ hợp tác về nuôi cá nước ngọt của hội viên nông dân xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng
Tiêu biểu có hộ anh Trương Hùng Việt hội viên nông dân thôn Mỵ Trường, xã Hải Trường đã vượt khó vươn lên làm giàu. Năm 2019, anh Việt vay 80 triệu đồng (Ngân hàng Chính sách xã hội: 50 triệu đồng và 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện) để chăn nuôi bò nhốt. Mô hình ban đầu nuôi 4 con bò, qua từng năm vừa bán vừa tích lũy vốn, hiện nay đàn bò có 11 con. Nhờ được tập huấn về kỹ thuật nuôi bò và tích lũy kinh nghiệm trong chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh nên đàn bò sinh trưởng tốt. Mỗi lần xuất bán từ 3 - 4 con, cho thu từ 120 -150 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí giống, thức ăn cho lợi nhuận từ 70 -100 triệu đồng/lứa. Hiện nay, gia đình anh đã thoát nghèo có mức thu nhập ổn định và ngày càng khấm khá, anh còn hướng dẫn tận tình kỹ thuật chăn nuôi bò cho các hộ hội viên nông dân trong chi Hội.
Chị Lê Thị Phượng - hội viên nông dân chi Hội Đại An Khê (Hải Thượng) là hộ nông dân sản xuất giỏi từ mô hình kinh tế tổng hợp. Sau khi vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình chị đã đầu tư chăn nuôi tổng hợp với diện tích 0,5 ha vùng cát. Đến nay, trang trại có 50 con lợn nái, 500 con lợn thịt/năm và 1.500 con gà thả vườn. Doanh thu hàng năm đạt 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được 350 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 02 lao động thường xuyên với mức thu nhập 03 triệu đồng/tháng/người. Ngoài ra còn có một số mô hình hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi lợi an toàn sinh học của hội viên nông dân Phan Khắc Sự (thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng). Ông Sự vay 60 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cùng với số vốn tự có gia đình ông đã xây dựng hệ thống chuồng trại với diện tích 500m2, quy mô gồm 100 lợn thịt ngoại và 30 lợn nái ngoại. Mô hình được sản xuất theo quy trình khép kín, có hệ thống làm mát, đảm bảo vệ sinh môi trường, đầu ra ổn định, lợi nhuận đạt 500 triệu đồng/lứa.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, thời gian tới Hội Nông dân huyện Hải Lăng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giúp cán bộ, hội viên trên địa bàn hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân. Hiệu quả của nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đã và đang trở thành điểm tựa giúp hội viên nông dân trên địa bàn huyện đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho nông dân, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; xây dựng tổ chức Hội Nông dân cơ sở vững mạnh, làm nòng cốt cho phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững của địa phương.
Quỹ hỗ trợ nông dân còn là đòn bẩy quan trọng giúp nhiều hộ nông dân có điều kiện để triển khai hiệu quả những mô hình kinh tế tập thể, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hội Nông dân huyện đã hướng dẫn để Hội Nông dân xã Hải Hưng lập hồ sơ dự án vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương cho 10 hộ vay với số tiền 300 triệu đồng để thành lập Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt, với tổng diện tích sản xuất của các hộ 5,5 ha mặt nước để nuôi cá. Từ nguồn vốn được vay các hộ đã cải tạo lại hồ, hệ thống nước thoát ra, vào tốt, đảm bảo sạch sẽ, các hộ thả nuôi các loại giống cá gồm: Cá trắm cỏ, cá mè, cá gáy, rô phi, rô đồng, cá diếc…Tổng sản lượng cá thu hoạch được mỗi năm từ 11 - 12 tấn, doanh thu trên 600 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, trung bình mỗi hộ thu lãi trên 25 triệu đồng. Ngoài ra có hộ đã tận dụng bờ đê để xây chuồng nuôi lợn như hộ anh Cáp Tâm nuôi 70 -100 con/lứa, mỗi năm xuất bán 300 con lợn thịt, lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Hộ anh Cáp Dòng, Cáp Hữu Tú nuôi từ 30 - 50 con/lứa/năm, xuất bán 150 con lợn thịt trừ chi phí mỗi hộ lãi 80 triệu đồng./.
Võ Chí Trương