Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị 92 năm xây dựng và phát triển

Thứ năm - 06/10/2022 21:34 160 0
Trần Văn Bến - TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cách đây 92 năm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930 đã quyết định thành lập Tổng Nông Hội Đông Dương. Đây là tổ chức Hội đầu tiên của giai cấp nông dân do Đảng ta sáng lập và lãnh đạo, là tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay. Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của giai cấp nông dân Việt Nam và cùng với quá trình phát triển của giai cấp nông dân Việt Nam, trải qua các thời kỳ cách mạng tổ chức Hội đã nhiều lần đổi tên cho phù hợp với nhiệm vụ của mỗi thời kỳ. Từ Tổng Nông Hội Đông Dương đến Nông Hội đỏ, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Nông dân phản đế, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam, Hội Nông dân tập thể và ngày nay là Hội Nông dân Việt Nam. Cùng với sự lớn mạnh của cách mạng, tổ chức Hội cũng đã lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trải qua chặng đường 92 năm, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Trị, Hội Nông dân các cấp và giai cấp nông dân trong tỉnh không ngừng lớn mạnh, luôn trung thành với Đảng, đi theo Đảng làm cách mạng, đánh đuổi đế quốc, thực dân giành lấy chính quyền về tay nhân dân và cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước.
Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị 92 năm xây dựng và phát triển

Trần Văn Bến - TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Cách đây 92 năm tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930 đã quyết định thành lập Tổng Nông Hội Đông Dương. Đây là tổ chức Hội đầu tiên của giai cấp nông dân do Đảng ta sáng lập và lãnh đạo, là tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay. Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của giai cấp nông dân Việt Nam và cùng với quá trình phát triển của giai cấp nông dân Việt Nam, trải qua các thời kỳ cách mạng tổ chức Hội đã nhiều lần đổi tên cho phù hợp với nhiệm vụ của mỗi thời kỳ. Từ Tổng Nông Hội Đông Dương đến Nông Hội đỏ, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Nông dân phản đế, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam, Hội Nông dân tập thể và ngày nay là Hội Nông dân Việt Nam. Cùng với sự lớn mạnh của cách mạng, tổ chức Hội cũng đã lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, góp phần quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trải qua chặng đường 92 năm, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Trị, Hội Nông dân các cấp và giai cấp nông dân trong tỉnh không ngừng lớn mạnh, luôn trung thành với Đảng, đi theo Đảng làm cách mạng, đánh đuổi đế quốc, thực dân giành lấy chính quyền về tay nhân dân và cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước.

Cùng với sự trưởng thành của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp to lớn làm rạng rỡ truyền thống của quê hương, đất nước. Trong công cuộc đấu tranh giành chính quyền 1930-1945, giai cấp nông dân trong toàn tỉnh phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng đi theo Đảng làm cách mạng. Hàng ngàn nông dân đã được tập hợp trong tổ chức Hội và hăng hái, sôi nổi tham gia các phong trào đấu tranh kháng thuế, phá kho thóc chia cho nông dân, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ rồi tiến đến đấu tranh đòi các quyền lợi về chính trị… Ngày 23/8/1945, đông đảo nông dân cùng nhân dân khắp nơi trong tỉnh đồng loạt đứng lên giành chính quyền, góp phần làm nên thắng lợi Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Lúc chính quyền còn non trẻ, thù trong giặc ngoài đang âm mưu phá hoại cách mạng, vận mệnh Tổ quốc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Đáp ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, nông dân Quảng Trị đã hưởng ứng tham gia “Ngày đồng tâm”, “Hũ gạo cứu đói”…để góp công của chia sẻ cứu trợ đồng bào bị đói.




Hội Nông dân tỉnh đón nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ năm 2021


Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nông dân Quảng Trị cùng với toàn dân trong tỉnh hăng hái tăng gia sản xuất, nuôi quân, tham gia dân công hỏa tuyến, giết giặc lập công và thực hiện 6 cuộc vận động lớn: tăng gia sản xuất tự cấp tự túc; nuôi dưỡng bộ đội; xây dựng tập đoàn sản xuất và tổ đổi công nông nghiệp; hoàn thành giảm tô, thực hiện giảm tức; đào tạo cán bộ và thanh toán nạn mù chữ. Xây dựng các khu căn cứ địa vững chắc; cùng thắt lưng, buộc bụng, đóng góp từng lon gạo, hạt muối cho cán bộ, bộ đội. Hàng ngàn nông dân lên đường đi dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực, đạn dược phục vụ các chiến dịch Trung, Hạ Lào, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.

Sau hiệp định Giơnevơ 1954, vỹ tuyến 17 được chọn làm giới tuyến quân sự chia nước ta thành hai miền. Nông dân Quảng Trị cùng cả tỉnh, cả nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do" và niềm tin vào chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Nông dân vùng nam sông Bến Hải anh dũng trong thế trận “ba mũi giáp công”, hăng hái hưởng ứng các phong trào "Thi đua sản xuất", "góp gạo nuôi quân" và tự nguyện gia nhập Hội Nông dân Giải phóng ngày càng đông. Ở khu vực Vĩnh Linh, thời kỳ này Hội Nông dân được thay thế bởi Ban Công tác nông thôn, nông dân sinh hoạt trong các Hợp tác xã. Nông dân vượt qua mọi gian khổ hiểm nguy, hăng hái thi đua lao động sản xuất, ngày đêm “Tay cày, tay súng” với khẩu hiệu "Mỗi người làm việc bằng hai", "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", chi viện hết lòng cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất non sông.

Dưới ngôi nhà chung thời kỳ hợp nhất Bình Trị Thiên, nông dân Quảng Trị lại bước vào cuộc chiến đấu mới nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương đất nước. Cùng đoàn kết trong tổ chức Hội Liên hiệp Nông dân tập thể, hưởng ứng phong trào đưa nông dân vào các hình thức làm ăn tập thể để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp với khẩu hiệu “Một nắng hai sương bám ruộng, bám đồng để sản xuất”; “tấc đất tấc vàng”; “cải tiến quản lý Hợp tác xã nông nghiệp”; tích cực tham gia xây dựng các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai, bão lũ và thực hiện định canh, định cư ở miền núi; tập trung phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày một đi lên.

Bước vào thời kỳ đổi mới dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Trị, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, tuyên truyền, vận động nông dân tích cực thi đua, đẩy mạnh các phong trào nông dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân các cấp góp phần thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với vai trò nòng cốt trong việc tập hợp lực lượng để sản xuất nông nghiệp và tham gia xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo để tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, hăng hái lao động sản xuất, thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh về mọi mặt.

Các phong trào của Hội từng bước đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ngày càng đi vào chiều sâu. Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở bằng nhiều hình thức linh hoạt, giải pháp thiết thực hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay qua các Ngân hàng, quỹ Hỗ trợ nông dân, cung ứng vật tư nông nghiệp, xây dựng các mô hình trình diễn, mô hình sản xuất hữu cơ, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm… Cùng với đó, Hội tích cực vận động nông dân thực hiện dồn điền đổi thửa, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp nhau giống, vốn, ngày công, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cùng xoá đói giảm nghèo, vươn lên khá giả. Từ phong trào nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư làm giàu bằng chính sức lao động, sự nỗ lực, quyết tâm của mình và xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân vượt khó thoát nghèo. Đến nay, toàn tỉnh có 28.679 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm trên 30% số hộ nông dân (năm 1993 toàn tỉnh có 5000 hộ nông dân SXKD giỏi các cấp). Số hộ nghèo do nông dân làm chủ hộ giảm rõ nét qua từng năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện còn 6,43%.

Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh” và phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp Hội tập trung tuyên truyền trong hội viên nông dân về mục đích, ý nghĩa, các nội dung, tiêu chí và đảm nhận với cấp ủy, chính quyền những phần việc cụ thể: Vận động nông dân hiến đất, hiến cây, đóng góp tiền của, ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện cải tạo vườn tạp, sản xuất hữu cơ, xây dựng các trang trại, gia trại gắn bảo vệ môi trường,... Các cấp Hội phát động nông dân hưởng ứng phong trào“Ngày thứ bảy vì nông thôn mới”; duy trì và nhân rộng mô hình “vườn mẫu”, “đường hoa nông dân”, “đoạn đường nông dân tự quản”, “thu gom và xử lý rác thải trên đồng ruộng”. Nông dân thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị với phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “tuyến phố nông dân tự quản”. Tổ chức vệ sinh đường làng ngõ xóm tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp, nạo vét kênh mương nội đồng, diệt chuột, diệt cây mai dương; tích cực vận động nông dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiên, xây dựng gia đình văn hóa; tham gia xây dựng thôn, bản, làng, xã văn hóa; các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao; giữ gìn cảnh quan môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội. Hoạt động của các cấp Hội đã góp phần vào kết quả chung, để đến nay, toàn tỉnh đã có 63/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 62,3%, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, các cấp Hội chú trọng tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo Đại hội Đảng các cấp, các dự thảo văn bản pháp luật, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội về những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của nông dân. Hàng năm, bồi dưỡng, giới thiệu cho cấp ủy các cấp xem xét kết nạp cán bộ, hội viên nông dân ưu tú vào Đảng. Toàn Hội hiện có 7.997 hội viên là đảng viên, chiếm tỷ lệ 8,4%. Từ tỉnh đến cơ sở tham gia tích cực với các cấp chính quyền trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền các cấp vững mạnh và phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân.

Trên chặng đường 92 năm, Hội Nông dân tỉnh đã trải qua 11 kỳ Đại hội. Đội ngũ cán bộ Hội ngày càng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu công tác vận động nông dân trong từng thời kỳ, có 52 cán bộ Hội Nông dân các cấp đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tổ chức Hội không ngừng được củng cố, phát triển. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã tập hợp được 87.765 hội viên, sinh hoạt ở 806 chi Hội (trong đó có 799 chi Hội theo địa bàn khu dân cư, 7 chi Hội nghề nghiệp) của 125 cơ sở Hội.

Với sự đóng góp và nỗ lực phấn đấu, các cấp Hội và hội viên nông dân Quảng Trị đã được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý: Hội Nông dân tỉnh được Ủy Ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Giải phóng Hạng Nhất (năm 1968), Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất (năm 2016) và nhiều Cờ thi đua của Chính phủ, của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của UBND tỉnh. Hội Nông dân huyện Hải Lăng được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; Hội Nông dân các huyện Triệu Phong, Hướng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh và 08 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 08 hội viên nông dân tiêu biểu được tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”; 11 cán bộ, hội viên nông dân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, trong thời gian qua các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác Hội và phong trào nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Đồng thời nêu cao vai trò, trách nhiệm, chủ động tham gia có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; khẳng định vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương Quảng Trị ngày càng giàu đẹp./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay13,915
  • Tháng hiện tại435,757
  • Tổng lượt truy cập2,928,568
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây