Nhà thơ Chế Lan Viên, từ quê hương đã hóa tâm hồn

Thứ sáu - 08/01/2021 04:32 330 0
Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23-10-1920, quê ở làng An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Một thời, chế Lan Viên theo cha sống ở Nghệ An, Bình Định, lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, Hà Nội rồi sau đó làm báo, dạy học, hoạt động văn học. Từ đó, lịch sử văn học Việt Nam có Chế Lan Viên, một nhà thơ lớn, nhà nghiên cứu lý luận, nhà phê bình văn học nghệ thuật hiện đại với các bút danh Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Ma là các địa danh ở tỉnh Quảng Trị cùng các bút danh Chàng Văn, Oah (tức là Hoan)
Nhà thơ Chế Lan Viên, từ quê hương đã hóa tâm hồn

Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23-10-1920, quê ở làng An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Một thời, chế Lan Viên theo cha sống ở Nghệ An, Bình Định, lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, Hà Nội rồi sau đó làm báo, dạy học, hoạt động văn học. Từ đó, lịch sử văn học Việt Nam có Chế Lan Viên, một nhà thơ lớn, nhà nghiên cứu lý luận, nhà phê bình văn học nghệ thuật hiện đại với các bút danh Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Ma là các địa danh ở tỉnh Quảng Trị cùng các bút danh Chàng Văn, Oah (tức là Hoan)

Năm 1937, ở tuổi 17, với bút danh Chế Lan Viên, ông đã có tập thơ đầu tay Điêu tàn tạo một ấn tượng mạnh mẽ như nhận xét của Hoài Thanh- Hoài Chân trong cuốn Thi nhân Việt Nam: “Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị. Giữa đồng bằng văn học Việt Nam nửa thế kỷ XX, nó đứng sừng sững như một cái tháp Chàm, chắc chắn, lẻ loi và bí mật”. Điêu tàn là giọng thơ ảo não, đau thương, rên rỉ khóc than cho một dân tộc đã bị tiêu vong và nhà thơ gào thét một nỗi chán chường, uất hận trước thực tại: Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh/ Một vì sao trơ trọi dưới trời xa/ Để nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh/ Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo...”.




Nhà thơ Chế Lan Viên


Và, lời tựa của tập Điêu tàn cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của Trường Thơ Loạn mà Chế Lan Viên cùng nhà thơ Hàn Mặc Tử lấy làm cương lĩnh nghệ thuật. Đồng thời, Chế Lan Viên cùng các bạn thơ là Yến Lan, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử được người đương thời gọi là Bàn thành tứ hữu của Bình Định trong phong trào Thơ Mới thời kỳ 1930-1945. Năm 1942, nhà thơ Chế Lan Viên có tập Vàng sao chứa những triết luận về cuộc đời với màu sắc siêu hình, huyền bí.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chế Lan Viên là một nghệ sĩ đi từ vàng sao hư vô đến sao vàng cách mạng. Năm 1949, Chế Lan Viên vào Bình Trị Thiên công tác lần thứ nhất vừa để góp sức củng cố các nhóm văn nghệ kháng chiến vừa để thâm nhập thực tế. Trong năm này, nhóm văn nghệ Nguồn Hàn ra đời ở chiến khu Ba Lòng quy tụ những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như Lưu Trọng Lư, Hồng Chương, Dương Tường, Lương An, Vĩnh Mai, Lê Tri Kỷ, Nguyễn Khắc Thứ, Tấn Hoài… Đặc biệt, trong chuyến công tác này, Chế Lan Viên được kết nạp Đảng tại chiến khu Ba Lòng - ngay chính trên quê nhà Quảng Trị và sự kiện này được ông khắc họa trong bài thơ Kết nạp Đảng trên quê Mẹ: Giã mẹ ra đi kháng chiến bốn phương trời/ Kết nạp Đảng, bỗng quay về quê mẹ/ Có phải quê hương gọi ta về đấy nhỉ/ Dặn dò ta, khuyên nhủ ta thêm/ Trong buổi đầu, ta theo Đảng đi lên…”.

Từ lúc gắn đời mình với Đảng, với đất nước và nhân dân, Chế Lan Viên cho ra đời đều đặn tập thơ Gửi các anh (1955), Ánh sáng và phù sa (1960), Hoa ngày thường và Chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973), Hoa trước lăng Người (1976), Ngày vĩ đại (1976), Hái theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984), Ta gửi cho mình (1986) và hàng trăm trang Di cảo thơ. Bên cạnh đó, ông có các tác phẩm văn xuôi là Vàng sao (1942), Thăm Trung Quốc (1963), Những ngày nổi giận (1967), Giờ của số thành (1967)… và các tác phẩm nghiên cứu, phê bình văn học như Phê bình văn học (1962), Suy nghĩ và bình luận (1970), Bay theo đường dân tộc đang bay (1976), Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân (1980), Nghĩ cạnh dòng thơ (1982),… Chính cách mạng đã tạo điều kiện để Chế Lan Viên phát huy tài năng, đóng góp với nền văn học dân tộc một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ gồm 15 tập thơ, 7 tác phẩm văn xuôi, 8 tập tiểu luận - phê bình.

Theo ánh sáng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhà thơ Chế Lan Viên là một trong những thi sĩ của phong trào Thơ Mới chuyển thơ từ sầu đau, điên cuồng, hư vô, siêu hình sang những vần thơ giàu tư tưởng sâu sắc, mới mẻ và khỏe mạnh. Nếu tập thơ Gửi các anh có ý nghĩa về mặt nhận đường trong văn chương của Chế Lan Viên thì tập Ánh sáng và phù sa là bước chuyển biến đánh dấu sự cách tân quan trọng không chỉ riêng ông mà còn của cả nền thơ Việt hiện đại. Về sau, các tập thơ Hoa ngày thường và Chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc, Đối thoại mới, Hoa trước lăng Người, Ngày vĩ đại, Hái theo mùa đều thống nhất một cảm hứng, một quan niệm đã có từ Ánh sáng và phù sa. Đó là, sự chuyển biến dứt khoát, mãnh liệt từ siêu hình, bế tắc sang gắn với cuộc sống, với nhân dân, với lý tưởng cách mạng và Đảng mà bài thơ Hai câu hỏi như một tuyên ngôn nghệ thuật: Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình/Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt/Ta vì ai? Sẽ xoay chiều ngọn bấc/Bàn tay người thắp lại triệu chồi xuân…”.

Đó chính là quá trình của một nghệ sĩ từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui, từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả với nhân cách công dân-nghệ sĩ hình thành và định hướng nghệ thuật mà cảm hứng sáng tác chủ đạo là “Ánh sáng soi rọi tôi và phù sa bồi đắp tôi. Ánh sáng tinh thần và phù sa vật chất của lý tưởng tôi”. Điều này được Chế Lan Viên thể hiện cực rõ trong bài thơ Tiếng hát con tàu: Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ/ Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa/ Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa/ Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”.

Về với nhân dân và sống hết mình trong cuộc chiến đấu của nhân dân, Chế Lan Viên sáng tác nghệ thuật với ý thức “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?).

Con đường sáng tác của nhà thơ Chế Lan Viên kéo dài 54 năm và ông luôn năng động trong tư duy, luôn nghĩ về nghề, nghĩ về thơ nên qua từng giai đoạn, thơ Chế Lan Viên đồng hành với thi ca của dân tộc, đưa ông trở thành nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại và là nhà văn hóa tiêu biểu của Việt Nam. Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII và Ủy viên Ủy ban Văn hóa-giáo dục của Quốc hội, tham gia hoạt động đối ngoại trên nhiều diễn đàn văn học quốc tế ở Liên Xô, Pháp, Nam Tư, Ấn Độ, Tây Âu... Ghi nhận, tôn vinh những đóng góp nổi bật của nhà thơ Chế Lan Viên với đất nước và văn học nghệ thuật, Nhà nước đã tặng ông Huân chương Độc lập hạng Hai vào năm 1988, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt một năm 1996. Tỉnh Quảng Trị đã dùng bút danh Chế Lan Viên của người con ưu tú Phan Ngọc Hoan đặt tên một con đường ở TP Đông Hà và trường học ở huyện Cam Lộ.
Để góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn học của nhà thơ Chế Lan Viên cũng như xuất phát từ tấm lòng thiết tha, gắn bó của nhà thơ với quê cha đất tổ, theo đề nghị của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Cam Lộ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Trị đã xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên tại làng An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ. Đây là công trình có ý nghĩa về mặt văn hóa, xã hội sâu sắc; là nơi bảo tồn, phát huy di sản văn học quý báu mà nhà thơ Chế Lan Viên đã để lại. Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên là địa chỉ quan trọng để góp phần giáo dục thế hệ học sinh cũng như điểm sinh hoạt của giới văn nghệ sĩ, điểm tham quan cho du khách trong và ngoài nước./.


Nguyễn Bội Nhiên (quangtritv.vn)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập84
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay10,893
  • Tháng hiện tại432,735
  • Tổng lượt truy cập2,925,546
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây