Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ của Đảng và Nhân dân ta trong 15 năm trước đó, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là đỉnh cao của cao trào đấu tranh chống thực dân, phong kiến, lật đổ nền quân chủ hàng chục thế kỷ, đập tan xiềng xích gần 100 năm của thực dân Pháp; giành được chính quyền về tay Nhân dân. Thắng lợi của cuộc cách mạng là kết tinh của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bên cạnh sức mạnh vô cùng to lớn của toàn thể dân tộc Việt Nam, xuất phát từ truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc, có vai trò lãnh đạo, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, nắm chính quyền toàn quốc. Với chủ trương, chính sách đúng đắn phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, trong quá trình tập hợp lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5/1941). Mặt trận Việt Minh chủ trương liên hiệp các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, cùng nhau mưu cuộc giải phóng dân tộc. Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh sau đó được đúc kết thành 10 chính sách lớn và được Đại hội Quốc dân Tân Trào thông qua tháng 8/1945, trở thành chính sách cơ bản sau này của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám tiếp tục được Đảng và Bác Hồ quán triệt, vận dụng, nâng lên tầm cao mới trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày nay, phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước. Quá trình phát triển, Đảng và Nhà nước đã thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của Nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước. Quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 được tôn trọng, bảo đảm gắn với nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội. Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức phải xuất phát từ lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Vấn đề đặt ra hiện nay là Đảng, Nhà nước phải chăm lo phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, huy động mọi nguồn lực để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông dân khá giả, nông thôn văn minh. Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, có trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; phát huy sức mạnh của Nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được trong công cuộc đổi mới, trước những vận hội mới, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đặt ra, hơn bao giờ hết, Đảng, Nhà nước và các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình xây dựng đất nước; có những quyết sách nhằm động viên mọi tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức để hiện thực hóa mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Phương Minh (baoquangtri.vn)