Cách đây 63 năm, vào dịp tết Nguyên đán Canh Tý 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Tết trồng cây. Từ đó đến nay, Tết trồng cây trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về. Tết trồng cây năm nay, tỉnh Quảng Trị phát động các các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân tích cực trồng cây một cách thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức.
Lực lượng thanh niên, quân đội tham gia trồng cây tại khuôn viên Đền thờ vua Hàm Nghi, Khu Di tích Thành Tân Sở, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ - Ảnh: T.T
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân” và nối tiếp truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong những năm qua, mỗi dịp Tết đến, xuân về, các cấp, các ngành và Nhân dân trong toàn tỉnh đã thường xuyên duy trì phong trào trồng cây, trồng rừng, góp phần quan trọng trong việc phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế- xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Năm 2022, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương và sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 9095/CT-BNN-TCLN ngày 30/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp xuân Nhâm Dần và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng năm 2022.
Trong năm qua, toàn tỉnh đã trồng được trên 12.000 ha rừng và trên 3 triệu cây phân tán, sản xuất trên 27 triệu cây giống lâm nghiệp các loại đảm bảo chất lượng để tổ chức tốt trồng rừng tập trung, sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đưa vào tiêu thụ đạt trên 1 triệu m3 , góp phần đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong và ngoài tỉnh.
Đến nay, độ che phủ rừng đạt mức 49,9%, góp phần quan trọng trong việc ổn định môi trường sinh thái, cảnh quan và giảm thiểu những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.
Để phục vụ Tết trồng cây năm 2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chuẩn bị 660 cây giống các loại như xà cừ, sao đen, nhội, bằng lăng, lát hoa, sến trung, đảm bảo tiêu chuẩn. Đồng thời, trạm kiểm lâm các địa phương trong tỉnh trồng hơn 4.900 cây phân tán các loại theo kế hoạch trồng cây của năm 2022. Ngoài ra, các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đồng loạt phát động Tết trồng cây với khí thế sôi nổi những ngày đầu xuân mới.
Tại huyện đảo Cồn Cỏ, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng năm Quý Mão. Hơn 400 cây xanh các loại như xà cừ, mù u, phong ba được cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo tiến hành trồng tại tuyến đường T3, các tuyến đường và trồng xen kẽ trên đảo.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Võ Viết Cường cho biết, đây là hoạt động thường niên tại huyện trong dịp đầu năm mới. Những năm gần đây, ngoài việc trồng cây bản địa, huyện đảo trồng thử nghiệm một số loại cây mang từ trong đất liền ra. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hàng nghìn cây xanh được trồng, chăm sóc, góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, chống sạt lở. Năm 2023 huyện đảo dự kiến trồng khoảng 3.000 cây xanh các loại.
Trong bối cảnh thiên tai diễn biến phức tạp và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng, việc trồng cây xanh không chỉ trở thành một nét đẹp truyền thống trong văn hóa Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc “Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”...
Việc trồng thêm nhiều cây xanh vừa góp phần quan trọng ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép, giúp chống xói mòn, hạn chế lũ lụt, vừa là nhiệm vụ cấp bách đồng thời là chiến lược lâu dài nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững và cuộc sống tốt đẹp của Nhân dân. Tết trồng cây cũng để tạo đà cho mùa trồng rừng mới.
Để Tết trồng cây ngày càng được đông đảo người dân hưởng ứng mỗi dịp xuân về, việc tổ chức phải gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây. Theo đó, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng.
Vận động các cấp, các ngành và Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, việc tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa, đảm bảo tính hiệu quả, tránh phô trương hình thức. Chú trọng bố trí trồng cây tại các tuyến đường đô thị, khu dân cư tập trung, khu di tích văn hóa, lịch sử, trồng cây trong khuôn viên của cơ quan, khu, cụm công nghiệp, trường học, bệnh viện, quanh nhà, quanh vườn, ven đường, dọc bờ sông, bờ kênh mương, vùng gò đồi... Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp.
Các địa phương tiếp tục huy động lồng ghép nhiều nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa để triển khai thực hiện tốt Chương trình trồng một tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 tại tỉnh, gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2030. Tổ chức thực hiện tốt việc chăm sóc, quản lý và bảo vệ cây trồng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô, kết hợp khai thác với trồng lại rừng theo hướng thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả rừng trồng.
Đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa trồng cây xanh đô thị, đảm bảo phát triển kinh tế- xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tạo cơ sở để phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết: “Tỉnh ta đang trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá, đô thị hoá, mỗi năm phải dành một diện tích đáng kể để phát triển công nghiệp, đô thị. Cùng với quá trình này, những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của Trái đất và mực nước biển dâng là một trong những thách thức môi trường rất lớn.
Do vậy, các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân phải hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng. Phải nhân lên phong trào người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, trồng cây nào tốt cây đó, đồng thời cần nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng, khuyến khích phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững”.
Thanh Trúc (baoquangtri.vn)