15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị đầu tiên vừa được Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị hoàn thành các thủ tục để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Thành công này là dấu mốc quan trọng, tạo động lực để doanh nghiệp, nông dân trong tỉnh tiếp tục sản xuất, đảm bảo các tiêu chuẩn về gạo hữu cơ cũng như các loại nông sản đặc trưng của địa phương, tiến đến chinh phục các thị trường lớn trên thế giới.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã kết nối, mời gọi nhiều doanh nghiệp đến liên kết, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn. Một trong những điểm nhấn nổi bật là mô hình sản xuất lúa hữu cơ được Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) triển khai từ năm 2017 đến nay theo công nghệ phân bón Ong Biển để sản xuất ra hạt gạo có thương hiệu “Gạo hữu cơ Quảng Trị” đang được người tiêu dùng đón nhận và yêu thích.
Theo đó, QTOrganic liên kết cùng nông dân Quảng Trị sản xuất lúa hữu cơ theo công nghệ phân bón Ong Biển, với phương thức công ty hỗ trợ không hoàn lại toàn bộ phân bón Ong Biển và giống lúa chất lượng cao cũng như kỹ thuật cho người dân tham gia sản xuất.
Đến mùa thu hoạch, doanh nghiệp thu mua toàn bộ tại ruộng với giá 6.000 đồng/ kg lúa tươi, trả tiền ngay trên ruộng, mang lại lợi ích trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Người nông dân có lãi hơn so với sản xuất truyền thống từ 8 - 18 triệu đồng/ha, đất đai trở nên phì nhiêu, màu mỡ, hệ sinh thái đồng ruộng được duy trì bền vững, quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Bà Phạm Thị Diễm Lệ, Giám đốc QTOrganic cho biết: “Năm 2017, QTOrganic đã chọn một số địa phương ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong… làm mô hình gạo hữu cơ theo chuỗi liên kết với nông dân. Toàn bộ diện tích gieo cấy được canh tác, sử dụng bằng công nghệ hữu cơ hàng đầu Nhật Bản. Mô hình gạo hữu cơ tại Quảng Trị hiện cho năng suất 5,5 - 6 tấn lúa/ha, sản lượng 200 tấn/ năm với diện tích gieo trồng 35 ha.
Năm 2019, tại Hà Nội, Trường Đại học Hiroshima Nhật Bản phát hiện và công bố gạo hữu cơ Quảng Trị dung hợp được hai hợp chất quý là Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) vốn có tác dụng chống bệnh tiểu đường, gút, béo phì.
Đây cũng là thành quả của dự án hợp tác sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sạch, bền vững được canh tác trên vùng đất sạch của một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, sử dụng giống lúa RVT chất lượng cao, nguồn nước tưới tiêu sạch, chăm sóc theo quy trình phân bón hữu cơ Ong Biển, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất tạo mùi, chất tẩy trắng hóa học.
Tiếp nối những thành công đó, QTOrganic đã tích cực quảng bá, tham gia các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế, mở rộng các chi nhánh để tìm kiếm thị trường đầu ra cho các loại sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là gạo hữu cơ Quảng Trị. Trong đó, doanh nghiệp đã có khảo sát và làm việc với nhiều khách hàng lớn tại châu Âu và Mỹ.
Sau khi đạt các thỏa thuận về giá cả, tiêu chí kiểm định, Công ty NHP Provide, s.r.o (Cộng hòa Séc) và QTOrganic đã hoàn thành các thủ tục xuất khẩu 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị sang thị trường châu Âu, với giá bán 1.800 USD/ tấn và sẽ xuất đi tại cảng Tiên Sa (TP. Đà Nẵng) vào giữa tháng 2/2023.
Sau khi được thị trường chấp nhận, dự kiến mỗi tháng doanh nghiệp sẽ tiếp tục xuất khẩu từ 30 - 50 tấn gạo hữu cơ sang châu Âu. Ngoài gạo hữu cơ, một số đối tác tại châu Âu cũng đang tìm hiểu để nhập khẩu thêm các sản phẩm nông sản khác là đặc sản của tỉnh Quảng Trị như: hạt tiêu, ớt, đậu xanh, đậu đen…”.
Phấn khởi khi lần đầu tiên gạo hữu cơ Quảng Trị được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng khẳng định, gạo hữu cơ được xuất khẩu thuận lợi sang thị trường châu Âu sẽ giúp nông dân làm lúa hữu cơ ở địa phương từng bước nâng cao đời sống và thu nhập; mong muốn thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị sẽ tiếp tục có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng và có mặt ở nhiều quốc gia nhập khẩu gạo khó tính.
“Sau lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường châu Âu, đề nghị doanh nghiệp tiếp tục đầu tư máy móc, nâng cấp nhà máy, mở rộng diện tích, liên doanh, liên kết với các hợp tác xã, người nông dân nhằm tạo ra sản phẩm gạo có chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng, số lượng, góp phần nâng tầm thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị, tăng doanh thu cho doanh nghiệp, đồng thời cải thiện đời sống của người nông dân và thúc đẩy nền nông nghiệp của địa phương ngày càng phát triển”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tập trung phát triển và mở rộng diện tích sản xuất nông sản hữu cơ, canh tác tự nhiên, trong đó chú trọng các sản phẩm nông sản chủ lực, có lợi thế cạnh tranh như: lúa chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, cam, bơ, chuối, chanh leo, dược liệu ... nhằm thực hiện thành công cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất hữu cơ trên tất cả các loại cây trồng đạt 5.000 - 10.000 ha. Tiếp tục mời gọi, huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, dự án, tổ chức đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết, đầu tư sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh theo chuỗi giá trị, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản đặc sản của địa phương với doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Sử dụng nông sản sạch, nông sản an toàn đang là nhu cầu bức thiết của người tiêu dùng. Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản an toàn là một trong những khâu quan trọng trong quá trình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Việc gạo hữu cơ Quảng Trị được xuất khẩu sang thị trường châu Âu là một tín hiệu vui cho nông sản an toàn của tỉnh, mở ra cơ hội mới để nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Trị.
Thu Hạ