Công tác cán bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đây là công việc hệ trọng, khó khăn, phức tạp và đặc biệt nhạy cảm, liên quan đến sinh mệnh chính trị của con người, kết quả của nó trực tiếp quyết định đến chất lượng đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị, đến vận mệnh của Đảng và đất nước. Nếu quá trình thực hiện không đảm bảo quy định, giải quyết các vấn đề không khéo léo, không thấu tình đạt lý thì dễ nảy sinh tiêu cực và dẫn đến tình trạng suy thoái, mất niềm tin của cán bộ, đảng viên.
Hình ảnh minh họa - Ảnh: ST
Vì vậy, công tác cán bộ luôn được dư luận, cán bộ, đảng viên và Nhân dân đặc biệt quan tâm, theo dõi; các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng vào đó để tăng cường xuyên tạc, chống phá bằng những thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, internet và mạng xã hội, các thông tin lan truyền nhanh chóng, rộng rãi, nhất là các thông tin trái chiều; một số cán bộ, đảng viên bất mãn, suy thoái, cung cấp thông tin nội bộ cho các thế lực bên ngoài, tạo cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Nhận thấy, đây là một nguy cơ lớn ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết đã đánh giá, dự báo tình hình, đưa ra các mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện.
Trong đó, nghị quyết chỉ rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam, nhiệm vụ đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phải theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao.
Bên cạnh đó, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị”.
Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, được dư luận trong nước và thế giới đặc biệt quan tâm, theo dõi. Vì vậy, các thế lực thù địch liên tục có những bài viết, bình luận với nội dung chống phá, xuyên tạc về công tác nhân sự.
Họ xuyên tạc cho rằng công tác nhân sự của Đảng ta là không dân chủ, thiếu khách quan, không minh bạch...
Cũng như Đại hội XIII của Đảng, công tác nhân sự bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp tục là nội dung mà các thế lực thù địch, phản động tập trung chống phá. Vẫn chiêu trò cũ, họ rêu rao, bịa đặt nhiều nội dung về công tác cán bộ trên các diễn đàn, mạng xã hội. Họ đòi hỏi cơ cấu đại biểu Quốc hội là đảng viên với người ngoài đảng phải tương đương…
Trước việc Đảng ta kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm của hàng loạt cán bộ từ trung ương đến cơ sở thì nhiều thành phần phản động lại cố tình xuyên tạc vấn đề này với những bài viết mang tính chủ quan, phiến diện, quy chụp, hay cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ thời gian qua là do sai lầm trong công tác cán bộ của Đảng.
Hay sự kiện Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị cũng như khi kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, một số phần tử bất mãn lợi dụng xuyên tạc, chống phá nhằm hạ thấp uy tín các cơ quan, tổ chức và một số lãnh đạo tỉnh. Họ cho rằng: “Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã diễn ra “thành công” như mong muốn của một vài cá nhân, chứ không phải đại hội của sự đoàn kết, dân chủ như nhiều người kỳ vọng”.
Trước những thông tin bịa đặt, xuyên tạc này, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động ngăn chặn, tập trung đấu tranh bằng nhiều biện pháp, từ lý luận đến thực tiễn, từ đời sống xã hội đến không gian mạng với những luận điểm rõ ràng, sắc bén, đầy đủ cơ sở. Trong đó, chính từ thực tiễn, hiệu quả công tác cán bộ là minh chứng cụ thể nhất cho đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng.
Công tác nhân sự đại hội được Đảng ta lãnh đạo tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện, minh bạch, chặt chẽ, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp được thực hiện theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu; bầu cử và ứng cử là trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Công tác nhân sự vừa đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc hiệp thương giới thiệu nhân sự.
Các đại biểu trúng cử do cử tri lựa chọn, không có sự áp đặt, chi phối. Công tác cán bộ của tỉnh được Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Cán bộ được bổ nhiệm chức vụ cao hơn đều đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện; phát huy được năng lực, sở trường công tác. Không có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc phản ánh liên quan đến điều động, bổ nhiệm cán bộ.
Kết quả thành công của Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh Quảng Trị và công tác cán bộ của tỉnh đã cho thấy sự thật là, dù được che đậy dưới hình thức nào, bằng phương tiện gì thì những thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc về công tác cán bộ cũng không thể phủ nhận hoặc làm giảm đi niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Thẳng thắn nhìn vào thực tế, công tác cán bộ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Song, không thể chỉ dựa vào những tồn tại, hạn chế ấy mà phủ nhận sạch trơn những thành quả của công tác cán bộ. Thực tiễn thời gian qua đã chứng minh rằng, một trong những yếu tố có tính quyết định làm nên thắng lợi của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là sự đúng đắn trong công tác nhân sự của Đảng. Những cá nhân vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Từ thực tiễn đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, chống phá, thông tin sai lệch về công tác cán bộ thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo linh hoạt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, khẳng định vai trò quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ đối với sự phát triển của đất nước. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục để nâng cao “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân để nâng cao cảnh giác, nhận diện, vạch trần các quan điểm sai trái, thù địch; lắng nghe, tiếp thu những thông tin chính thống, có chọn lọc, biết phân tích đúng sai, tránh a dua.
Nâng cao chất lượng công tác cán bộ phải thực hiện nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác nhân sự và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; đi đôi với phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong xây dựng đội ngũ cán bộ.
Tập trung phát huy sức mạnh nòng cốt của cơ quan báo chí, truyền thông trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta nói chung và công tác cán bộ của Đảng nói riêng. Thường xuyên thông tin chính thống về công tác cán bộ; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng bịa đặt, xuyên tạc, chống phá.
Để góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, chống phá, thông tin sai lệch về công tác cán bộ hiện nay, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:
Các cấp uỷ, tổ chức đảng cần đẩy mạnh quán triệt có hiệu quả tư tưởng, quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của công tác cán bộ, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; nâng cao nhận thức để cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận diện đầy đủ, rõ ràng về những âm mưu, thủ đoạn, chiêu trò của các thế lực thù địch, phản động. Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác cán bộ để chủ động khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, kiên quyết không tạo cơ hội cho các thế lực phản động lợi dụng chống phá.
Tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Chú trọng hoàn thiện các văn bản, quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ, tạo sự thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ, có tính hệ thống. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời với việc gắn trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ gắn với kiểm soát chặt chẽ quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Quá trình thực hiện phải đảm bảo phát huy dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau cần phải có sự thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng, tranh thủ ý kiến của các cơ quan cấp trên, tạo sự đồng thuận, thống nhất.
Quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Kế hoạch 105-KH/TU, ngày 15/11/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là 2 trọng tâm 5 đột phá. Trong đó, trước mắt chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện tốt công tác xây dựng quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2025 - 2030, công tác luân chuyển cán bộ đầu nhiệm kỳ, tạo tiền đề cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn tiếp theo.
Quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; kịp thời phát hiện các biểu hiện bất mãn, suy thoái để chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh; ngăn chặn kịp thời việc cung cấp, lộ lọt thông tin nội bộ, bí mật nhà nước cho các đối tượng bên ngoài lợi dụng, xuyên tạc.
Quan tâm xây dựng đội ngũ tham mưu về công tác cán bộ đảm bảo “trung thành - trung thực - gương mẫu - trong sáng - tinh thông”, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Các cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí cần phát huy vai trò của mình trong cung cấp các thông tin chính thống về công tác nhân sự của Đảng, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các thông tin rõ ràng, chính xác. Chủ động bám sát các vấn đề, sự kiện, tuyệt đối không để khoảng trống thông tin là cơ hội để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, tạo thế chủ động trong mặt trận đấu tranh, nhất là trên mạng xã hội, internet.
Ban Chỉ đạo 35 của tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trong toàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội. Trong đó, cần đổi mới phương thức đấu tranh trên mạng xã hội, khắc phục tình trạng giáo điều, xa rời thực tiễn.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Trong đó, đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, chống phá, thông tin sai lệch về công tác cán bộ của Đảng có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và đội ngũ cán bộ; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Qua đó góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động trong tình hình mới. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Theo baoquangtri.vn