Ngày 1/7/1989 tỉnh Quảng Trị được lập lại, Hội Nông dân tỉnh tách ra từ Hội Nông dân tỉnh Bình Trị Thiên và chính thức đi vào hoạt động. Ngày trở về, sau 15 năm giải phóng, Hội gặp khó khăn bộn bề, trước hết đội ngũ cán bộ còn thiếu, Ban Chấp hành lâm thời tỉnh Hội có 23 đồng chí, 122 cơ sở với 456 Chi Hội, nhiều địa phương, thôn, bản, làng chưa có tổ chức Hội, chất lượng hội viên còn nhiều bất cập, các phong trào của Hội còn mang hình thức, thiếu hiệu quả thiết thực. Mặt khác đời sống nông dân còn nhiều vất vã sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp, kinh phí hoạt động , cơ sở vật chất của Hội chưa đáp ứng yêu cầu…
Đồng chí Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Hội ND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2013 - 2018
Từ khi tỉnh nhà lập lại, được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương nên hoạt động của Hội đạt được những kết quả quan trọng. Hội vận động nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, dồn điền đổi thửa, đưa nền nông nghiệp phát triển bền vững và toàn diện trên các mặt trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến và tiêu thụ nông sản, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH-HĐH, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt 4,7%.
Vận động nông dân ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHKT, khảo nghiệm các giống cây trồng mới, chương trình bảo vệ thực vật, cơ giới hóa nông nghiệp. Đến nay có trên 90% diện tích đất trồng lúa được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, sản lượng lương thực có hạt tăng từ 11,2 vạn tấn năm 1989 tăng lên 23,4 vạn tấn năm 2013. Với các loại cây công nghiệp lâu năm đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung phát triển ổn định như cà phê ở Khe Sanh, cao su ở Vĩnh Linh, Gio Linh,hồ tiêu Cam Lộ; sắn Triệu Phong, Hải Lăng và chuối Hướng Hoá…; Xây dựng các vùng nuôi tôm ven biển, ngư dân quyết tâm ra khơi, bám biển, tổng số tàu cá toàn tỉnh có 2.535 chiếc với tổng công suất 65.761 CV. Trong đó tàu đánh bắt xa bờ 175 chiếc, hàng năm sản lượng đánh bắt trên 1500 tấn. Sản lượng nuôi trồng đánh bắt thuỷ sản năm 2013 tăng gấp 5 lần so với năm 1989. Vận động nông dân cải tạo đàn bò mang lại hiệu quả thiết thực, nạc hóa đàn lợn, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm thương phẩm ngày một cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường. Với vai trò và chức năng của mình, các cấp Hội vận động nông dân tham gia tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa được xây dựng ngày càng hoàn thiện khang trang, đời sống nông dân ngày càng được cải thiện, đến nay toàn tỉnh có trên 21.691 hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp, hàng năm các cấp Hội đã giúp đỡ cho từ 1500 – 2000 hộ nông dân thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 10,92 %, thu nhập bình quân đầu người đạt 26,9 triệu đồng/năm.
Bằng những việc làm cụ thể Hội tham gia tuyên truyền, giáo dục và vận động cán bộ, hội viên làm tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới. Trong 3 năm qua nông dân đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất, đóng góp 97 tỷ đồng, hơn 1 triệu ngày công, các cấp Hội liên kết với các Ngân hàng hỗ trợ nông dân vay trên 820 tỷ đồng, vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trên 10 tỷ đồng, mang lại hiệu quả thiết thực, Hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức 502 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 15.068 lao động góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh.
Nông dân Quảng Trị cơ giới hoá nông nghiệp
Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", các cấp Hội vận động nông dân xây dựng gia đình nông dân văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn phát huy truyền thống năn hóa của địa phương, bài trừ mê tín dị đoan, xây dựng tình làng nghĩa xóm đoàn kết, vui vẻ..., tham gia giải quyết những khiếu nại, tố cáo trong nông dân, hạn chế khiếu kiện kéo dài, giải quyết mâu thuẫn tại cơ sở. đến nay có trên 86% gia đình nông dân được công nhận là gia đình nông dân văn hóa.
Để tổ chức các phong trào nông dân có hiệu quả, tham gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua các cấp Hội đã tập trung xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về mọi mặt, thường xuyên đổi mới, nội dung phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân. Đội ngũ cán bộ Hội được tăng cường, có 9 huyện, thị, thành Hội, 141 cơ sở, tập hợp được 88. 516 hội viên với 1.177 chi hội, chiếm tỷ lệ 87% so với hộ sản xuất nông nghiệp, đội ngũ cán bộ Hội không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Cơ sở vật chất của các cấp Hội được đầu tư xây dựng. Thực hiện Quyết định 1045-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010- 2015", Nhiệm kỳ (2008 – 2013), đã có 87 cán bộ được cử đi học đại học và cao cấp lý luận chính trị-hành chính, 4.842 cán bộ cơ sở, Chi, tổ Hội được tập huấn về lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác Hội. Đến nay đội ngũ cán bộ cơ bản được chuẩn hóa, năng lực trình độ được nâng lên, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới, có 9/9 huyện, thị, thành Hội, 80% Hội cơ sở, 70% Chi hội đạt đơn vị vững mạnh toàn diện góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương vững mạnh.
Sau 25 năm tái lập Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã không ngừng phát triển, luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp của các ngành, được nông dân tin tưởng, tuyên truyền vận động nông dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nâng cao đời sống, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Đảng chính quyền trong sạch vững mạnh, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng nông thôn mới./.
Nguyễn Đán