An toàn thực phẩm

Thứ tư - 08/04/2015 21:30 324 0
Có đầy đủ thực phẩm an toàn và bổ dưỡng là chìa khóa giúp con người duy trì cuộc sống và nâng cao sức khỏe. Thực phẩm không an toàn có chứa các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có hại hoặc các hóa chất gây hại với sức khỏe là nguyên nhân của hơn 200 bệnh lý ở người, từ tiêu chảy đến ung thư và có liên quan đến cái chết của khoảng 2 triệu người mỗi năm, trong đó có nhiều trẻ em.

Có đầy đủ thực phẩm an toàn và bổ dưỡng là chìa khóa giúp con người duy trì cuộc sống và nâng cao sức khỏe. Thực phẩm không an toàn có chứa các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có hại hoặc các hóa chất gây hại với sức khỏe là nguyên nhân của hơn 200 bệnh lý ở người, từ tiêu chảy đến ung thư và có liên quan đến cái chết của khoảng 2 triệu người mỗi năm, trong đó có nhiều trẻ em.

Tìm hiểu về Luật An toàn thực phẩm -Ảnh: BỘI NHIÊN

Các bệnh do thực phẩm thường do nhiễm khuẩn, độc tố tự nhiên và độc tố do vi sinh vật (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng) sản sinh ra hoặc các hóa chất có trong thực phẩm... xâm nhập vào cơ thể qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm. Những ví dụ về thực phẩm không an toàn bao gồm các loại thực phẩm chưa nấu chín có nguồn gốc động vật, trái cây và rau quả bị nhiễm phân và tôm, cua, sò... có chứa độc tố sinh học biển. Các vi khuẩn Salmonella khi xâm nhập vào trứng và thịt gia cầm, các thực phẩm nguồn gốc động vật; vi khuẩn Campylobacter có trong sữa tươi, thịt gia cầm sống hoặc nấu chưa chín và nước uống nhiễm bẩn; vi khuẩn E.coli có liên quan đến sữa tươi chưa tiệt trùng, thịt chưa nấu chín, hoa quả và rau tươi sống là các tác nhân gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất, khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng mỗi năm, đôi khi gây bệnh nặng và dẫn đến tử vong.

Ăn, uống sữa chưa tiệt trùng và nhiều loại thực phẩm ăn liền bị nhiễm Listeria có thể dẫn đến sẩy thai ở phụ nữ mang thai hoặc tử vong ở trẻ sơ sinh. Vi khuẩn tả lây nhiễm vào cơ thể thông qua nước hoặc thực phẩm ô nhiễm gây đau bụng, nôn và tiêu chảy nhiều lần với phân nhiều nước có thể dẫn đến mất nước nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Thực phẩm bị nhiễm Norovirus làm người sử dụng buồn nôn, nôn vọt, tiêu chảy phân nhiều nước và đau bụng. Các món ăn có nguồn gốc từ hải sản sống hoặc nấu chưa chín, thực phẩm tươi bị nhiễm virus viêm gan A có thể gây bệnh gan kéo dài và những người mang mầm bệnh viêm gan A, mắc bệnh viêm gan A cũng là nguồn gây ô nhiễm thực phẩm trong quá trình xử lý, chế biến thực phẩm. Một số ký sinh trùng như sán lá chỉ lây truyền qua thực phẩm, giun đũa và đơn bào Cryptosporidium, Entamoeba histolytica hoặc Giardia thâm nhập vào chuỗi thức ăn thông qua nước hoặc đất có thể gây ô nhiễm thực phẩm tươi sống. Tác nhân lây nhiễm nhỏ nhất bao gồm một protein là Prion liên quan đến các dạng của bệnh thoái hóa thần kinh đặc trưng, điển hình là bệnh xốp não bò (còn gọi là bệnh bò điên) là một bệnh Prion ở gia súc mà nếu ăn các sản phẩm từ bò có chứa mầm bệnh như mô não thì có nhiều khả năng lây truyền Prion sang người.

Mối lo ngại lớn nhất đối với sức khỏe từ thực phẩm không an toàn là các độc tố phát sinh tự nhiên và chất gây ô nhiễm môi trường. Các độc tố phát sinh tự nhiên bao gồm độc tố trong nấm mốc, độc tố sinh học biển, các cyanogenic glycosid và độc tố trong nấm độc. Các thực phẩm thiết yếu như ngũ cốc có thể chứa hàm lượng cao độc tố trong nấm mốc, như aflatoxin và ochratoxin có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và sự phát triển bình thường hoặc gây ung thư ở những người ăn các thực phẩm này trong một thời gian dài. Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy là những hợp chất tích tụ trong môi trường và cơ thể con người như dioxin và polychlorinat biphenyl, là các sản phẩm phụ không mong muốn của quá trình công nghiệp và tiêu hủy chất thải được thấy trên toàn thế giới trong môi trường và tích lũy trong chuỗi thức ăn động vật. Trong đó, dioxin là chất có độc tính cao và có thể gây ra các vấn đề về sinh sản và phát triển, gây hại với hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng đến nội tiết tố và gây ung thư. Các kim loại nặng như chì, cadmi và thủy ngân khi đã làm thực phẩm bị nhiễm bẩn thông qua ô nhiễm không khí, nước và đất có thể gây tổn thương thần kinh và thận.

Dân số thế giới gia tăng, sự tăng cường và quá trình công nghiệp hóa trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức đối với an toàn thực phẩm (ATTP). Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến ATTP bởi khi nhiệt độ thay đổi sẽ làm thay đổi các nguy cơ liên quan đến sản xuất, lưu trữ và phân phối lương thực. Đồng thời, quá trình đô thị hóa và những thay đổi trong thói quen tiêu dùng, du lịch làm tăng số lượng người mua và ăn thức ăn chế biến sẵn ở nơi công cộng. Toàn cầu hóa đã kích hoạt nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng đối với rất nhiều loại thực phẩm, chuỗi cung ứng thực phẩm vượt qua biên giới nhiều quốc gia dẫn tới kết quả là một chuỗi thực phẩm toàn cầu ngày càng phức tạp và kéo dài hơn. Thời gian gần đây, các mối đe dọa mới đối với ATTP liên tục xuất hiện và những thay đổi trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ thực phẩm; thay đổi môi trường; tác nhân gây bệnh mới và khẩn cấp; kháng kháng sinh đặt ra nhiều thách thức với các hệ thống ATTP quốc gia cùng việc đi lại thuận tiện và tăng giao thương làm khả năng ô nhiễm thực phẩm mở rộng ra trên toàn thế giới,…

Thực phẩm không an toàn gây ra mối đe dọa đối với sức khỏe và gây nguy hiểm với tất cả mọi người, tạo ra một vòng luẩn quẩn của bệnh tật và suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già và người bệnh. Những bệnh do thực phẩm không an toàn gây ra cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội do tạo áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe và làm tổn hại đến kinh tế, du lịch và thương mại của mỗi quốc gia. Vì vậy, việc cung cấp và sử dụng thực phẩm an toàn sẽ giúp ích đối với kinh tế, thương mại và du lịch, góp phần giữ vững an ninh lương thực và dinh dưỡng, củng cố sự phát triển bền vững. Xác định ATTP là một ưu tiên sức khỏe cộng đồng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lựa chọn An toàn thực phẩm làm chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2015.

Với chủ đề An toàn thực phẩm, Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4/2015 là một cơ hội để WHO nhấn mạnh về tầm quan trọng của ATTP và trách nhiệm của mỗi người trong việc đảm bảo rằng tất cả mọi người có thể tự tin rằng các thức ăn trên đĩa của họ là an toàn để ăn. Đẩy mạnh nỗ lực để cải thiện ATTP, từ trang trại đến bàn ăn và ở khắp mọi nơi trên thế giới, WHO giúp các quốc gia ngăn chặn, phát hiện và đối phó với các dịch bệnh do thực phẩm, đồng thời đưa ra 5 yếu tố chìa khóa làm cho thực phẩm an toàn hơn trong cung cấp thực phẩm, xử lý và chế biến thức ăn, bao gồm: Giữ sạch; tách riêng thực phẩm sống và chín; nấu kỹ thực phẩm; giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn; sử dụng nước sạch và nguyên liệu tươi.

ATTP là trách nhiệm chung. Thực hành “Từ trang trại đến bàn ăn, làm cho thực phẩm an toàn” như WHO kêu gọi, mọi người đều có thể góp phần đảm bảo ATTP, từ những người làm việc trong các cơ quan của chính quyền, nông dân, các nhà sản xuất đến các nhà bán lẻ, cán bộ y tế và người tiêu dùng.

Baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập138
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm111
  • Hôm nay20,830
  • Tháng hiện tại462,352
  • Tổng lượt truy cập2,955,163
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây