Nói đến hoa đào, người ta kể về các giống đào thất thốn, đào bích, đào phai, ít người biết đến giống đào hoa trắng, còn gọi là đào bạch hầu như đã mất giống ở Hà Nội.
Hoa đào trắng chỉ còn mọc rải rác ở một số vùng núi phía Bắc như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Mộc Châu (Sơn La).
Nhiều người trồng đào lâu năm ở Nhật Tân, Phú Thượng của đất Hà Thành cho biết, mới chỉ nghe kể về loại hoa giống hệt như hoa đào, cánh trắng tinh khôi mà cũng chưa từng nhìn thấy.
Theo các cụ cao niên, hoa đào bạch rất quý và hiếm do khó trồng nên ngày xưa chỉ các nhà vương giả hoặc quan lại mới có thể chơi được. Tuy nhiên, vài năm gần đây hoa đào trắng xuất hiện lác đác ở một số hội chợ hoa Tết. Người chơi khó có thể mua được loại hoa quý hiếm này.
Điều thú vị là trong ngày khai mạc “Hội chợ hoa xuân Gia Lâm” tại khu 31 ha, thị trấn Trâu Qùy, huyện Gia Lâm, Hà Nội chúng tôi bất ngờ bắt gặp hơn 30 chậu hoa đào bạch với nhiều thế cây được cắt tỉa công phu, khoe ra các cành nở đầy những bông hoa cánh mỏng trắng muốt như tuyết thu hút sự quan tâm của nhiều người.
TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả kiêm GĐ Trung tâm Nghiên cứu, phát triển hoa, cây cảnh - tác giả của giống đào trắng cho biết, đào trắng hay còn gọi là đào bạch có tên khoa học là Flos salicina do trung tâm phục tráng, thuần hóa và nhân giống thành công từ một mẫu cây được sưu tầm ở vùng núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cách đây 7 năm, đặt tên là GL2-3.
Trung tâm đã chuyển giao công nghệ trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa thành công ở Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Phòng.
Đào bạch GL2-3 có hoa màu trắng, đường kính hoa to > 3,5 cm, thuộc loại hoa nhiều cánh (18 - 20 cánh), tỉ lệ nở hoa cao > 90%, hoa nở tập trung, độ bền cành hoa là 12 - 15 ngày, được người tiêu dùng ưa chuộng, có khả năng sinh trưởng, phát triển và chống chịu sâu bệnh tốt đặc biệt là bệnh chảy gôm.
Đặc biệt, trong khi các loại hoa đào khác không có mùi thơm thì hoa đào bạch đào lại có mùi hương thơm toang thoảng rất hấp dẫn.
Khuyến cáo kỹ thuật
- Thời vụ trồng: Tháng 1 - 2 âm lịch.
- Bón phân, lấp hố trước khi trồng 7 - 10 ngày với lượng (tính cho 1 ha): 30 tấn phân chuồng hoai + 1,1 tấn phân lân + 0,6 tấn vôi bột. Lượng phân dùng bón thúc cho 1 ha gồm 2,7 tấn phân NPK (13-13-13+TE), 270 kg urê.
Trộn phân NPK với urê theo tỷ lệ 10:1 để bón thúc cho 5 lần: Lần 1 sau trồng 1 tháng với lượng 300 kg NPK và 30 kg urê bằng cách hòa với nước tưới xung quanh gốc. Số còn lại chia đều cho 4 lần bón, mỗi lần cách nhau 25 - 30 ngày.
Kết hợp tưới nước đủ ẩm, xới xáo, làm cỏ, vét luống. Có thể phun thêm phân bón lá Đầu trâu 501, 502 hoặc Atonik nhằm giúp cây ra nhiều cành tán sum xuê.
- Tỉa cành: Tùy theo mục đích tạo dáng, thế cho cây mà thời gian đầu sau trồng có hình thức cắt tỉa khác nhau. Sau đó khi chồi mầm cao 30 -35 cm thì bấm ngọn, cứ làm như vậy đến đầu tháng 7 thì ngừng bấm ngọn, và thường xuyên điều chỉnh các cành mọc bốn phía cho đều tán.
- Tiến hành khoanh vỏ bắt đầu từ 18 - 20/8 âm lịch.
- Tuốt lá kết hợp với go cành trước tết 60 - 65 ngày.
Hiệu quả kinh tế: Với giá bán dự kiến tại hội chợ và các gian hàng hoa bán lẻ trên địa bàn Hà Nội từ 800.000 đ - 2 triệu đ/cây tùy theo thế cây thì lợi nhuận thu được từ việc trồng đào bạch GL2-3 sẽ cao hơn so với các giống đào khác từ 30 - 50%.
Đây là động lực để người trồng đào mở rộng diện tích trong những năm tới.
Hoinongdan.org.vn