Nấm đạo ôn có tính kháng thuốc cao nên cần phun trừ kép 2 lần, mỗi lần cách nhau 4 - 5 ngày mới có hiệu quả trừ bệnh.
Phòng trị bệnh đạo ôn trên lúa
Do ảnh hưởng của những đợt không khí lạnh yếu di chuyển lệch đông trong suốt nhiều ngày qua nên, thời tiết miền Bắc luôn âm u, se lạnh và có mưa phùn kéo dài, ẩm độ không khí cao > 90%.
Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho sâu bệnh phát sinh, nhất là bệnh đạo ôn bùng phát trên những giống lúa nhiễm (Xi 23, nếp các loại, Q5, Khang dân, BC15…) hoặc lúa bón thừa đạm. Nông dân cần chú ý phòng trừ bằng các biện pháp sau:
+ Chăm bón cân đối để lúa phát triển thuận lợi: Nếu bón thừa đạm lúa rất dễ bị nhiễm bệnh vì môi trường giàu đạm vi khuẩn và nấm gây bệnh phát sinh phát triển mạnh hơn. Thân lá cây trồng thừa đạm rất mềm yếu và dễ xây xát sẽ là "cửa ngõ" để các tác nhân gây bệnh xâm nhập và gây hại.
Trước thực tế là lượng mưa phùn kéo dài trong suốt thời gian qua và thời tiết không giá rét nên phân bón phân giải rất nhanh, lượng đạm bón ít bị thất thoát.
Cho nên, việc bón thúc cho lúa đẻ nhánh lúc này nông dân cần chú ý sử dụng lượng kali cao hơn các vụ khác khoảng 0,5 - 01 kg/sào Bắc bộ kết hợp với khoảng 0,5 kg phân siêu vi lượng bón gốc nhằm đảm bảo cho lúa được cứng cáp thân lá, hạn chế nấm bệnh xâm hại và tổng hợp các chất được tốt hơn.
+ Thăm đồng thường xuyên phát hiện bệnh sớm để phòng trừ hiệu quả: Như ta đã biết, thời tiết và đặc điểm của cây/giống lúa là 2 nguyên nhân cốt lõi làm cho bệnh bùng phát. Do đó, trước áp lực của thời tiết ưu tiên cho bệnh phát triển và các giống lúa mẫn cảm được gieo trồng trên đồng, nông dân cần theo dõi diễn biến thời tiết qua các kênh thông tin, thăm đồng thường xuyên để xử lý kịp thời.
Ngoài việc chăm bón cân đối như trên cần khẩn trương tiến hành phun thuốc phòng bệnh cho các giống lúa nhiễm (nếp các loại, Xi23, Q5, Khang dân 18…). Đây là việc làm có tác dụng cao và hiệu quả trong công tác phòng trừ bệnh đạo ôn lúa.
Thời điểm và các loại thuốc dùng để phun phòng cũng cần phải được lựa chọn kỹ trong thời tiết mưa ẩm kéo dài. Vì mưa kéo dài lá lúa lúc nào cũng ẩm ướt nên lựa chọn các loại thuốc có tính bám dính cao như Filia 525 SE, Fuji- one 40EC, 40 WP hoặc Roshow 460SC…, bố trí phun được vào lúc lá lúa ráo nước được thì càng tốt. Nếu thời tiết mưa ẩm kéo dài nên phun phòng bệnh định kỳ 5 - 6 ngày/lần.
* Lưu ý: Nên lắc kỹ chai thuốc, tráng nước nhiều lần để lấy hết được thuốc trong gói hay chai vì các loại thuốc này có tính bám dính cao.
Khi phát hiện ruộng lúa đã bị nấm bệnh gây hại (trên lá lúa có những vết đốm nhỏ châm kim sau lan rộng và kéo dài về 2 đầu mút như hình thoi với tâm vết bệnh xám tro, xung quanh nâu đỏ) cần tránh để ruộng khô hạn, nên giữ mực nước trong ruộng từ 3 - 4 cm.
Ngừng bón đạm, kali, ngừng phun phân bón lá hoặc chất kích thích sinh trưởng. Phun trừ bệnh bằng một trong các loại thuốc sau: Fuji-one 40EC, 40WP, Filia 525SE, Beam 75WP, Nativo hoặc Roshow 460SC…
* Chú ý:
- Nấm đạo ôn có tính kháng thuốc cao nên cần phun trừ kép 2 lần, mỗi lần cách nhau 4 - 5 ngày mới có hiệu quả trừ bệnh. Giữa 2 lần phun nên thay đổi thuốc và sử dụng thuốc theo nguyên tắc "4 đúng".
- Tuyệt đối không được cộng thêm phân bón lá hay chất kích thích sinh trưởng vào bình thuốc phun.
- Sử dụng đủ lượng nước mà nhà SX khuyến cáo cho 1 đơn vị diện tích (sào Bắc bộ).
- Nên lựa chọn bec phun có độ phun sương cao để thuốc tỏa đều trên thân lá lúa.
- Trường hợp nếu ruộng có những đám lúa bị cháy (nhiễm nặng) cần làm vệ sinh loại bỏ những lá, cây khô rạc mang ra khỏi ruộng rồi mới tiến hành phun thuốc sẽ cho hiệu quả cao hơn.
Theo NNVN