Hiện nay tranh thủ thời gian giữa vụ hè thu và đông xuân khá dài, người dân ở tỉnh Quảng Trị đang tích cực phát triển chăn nuôi gia cầm để tăng thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân dịch bệnh cúm gia cầm H5N6 đã xảy ra, khiến cho người dân hết sức lo lắng. Ông Nguyễn Văn Vẻ ở xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh nói với chúng tôi rằng: Ngoài làm ruộng, hàng năm còn chăn nuôi vịt đàn và đây chính là nguồn thu nhập khá lớn, tuy nhiên từ đầu tháng 9,2 đàn vịt đang lớn bỗng nhiên có những dấu hiệu khác thường, sau đó bị chết. Gia đình đã báo cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y, khi được biết bị nhiễm bệnh cúm gia cầm H5N6 đã tiêu hủy và hiện nay đang tiến hành các bước vệ sinh tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường. Trong đợt này, còn có 4 hộ khác trong thôn có đàn gia cầm cũng bị nhiễm bệnh.
Cán bộ thú y hướng dẫn cho ông Nguyễn Văn Vẻ các biện pháp tiêu độc khử trùng
Ông Đào Văn An, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú y Quảng Trị cho biết: sau khi có tin báo 5 hộ gia đình ở xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh có 1 số lượng lớn gà, vịt, ngan bị chết, đơn vị đã trực tiếp về lấy mẫu và gửi đi Chi cục thú y vùng 3 xét nghiệm. Khi có kết quả bị bệnh H5N6, từ ngày 11 tháng 9, đơn vị đã chỉ đạo tổ chức tiêu hủy 5 đàn gia cầm bị bệnh với 1850 con. Đồng thời lực lượng thú y tổ chức tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực có dịch và cung ứng kịp thời 30.000 liều vắc xin để tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm ở 7 thôn của xã Vĩnh Lâm. Ngoài ra chỉ đạo các xã trong vùng thống kê, rà soát đàn gia cầm để có kế hoạch tiêm phòng trong những ngày tới.
Cùng với các ngành chức năng vào cuộc, ngày 15 tháng 9, UBND huyện Vĩnh Linh đã công bố dịch bệnh cúm gia cầm H5N6 tại xã Vĩnh Lâm, vùng uy hiếp gồm các địa phương trong phạm vi bán kính 3km xung quanh ổ dịch, vùng đệm gồm các địa phương trong phạm vi bán kính 10km xung quanh ổ dịch. Yêu cầu lực lượng chức năng triển khai các biện pháp quyết liệt, tập trung nguồn lực để sớm khống chế, xử lý triệt để ổ dịch tại xã Vĩnh Lâm, không để lây lan ra diện rộng và tăng cường kiểm soát, không để gia cầm và sản phẩm từ gia cầm vận chuyển ra vào vùng dịch. Những nơi chưa có dịch chủ động phòng chống, giám sát chặt chẽ dịch bệnh để hạn chế nguồn bệnh vào địa bàn, khi gia cầm có dấu hiệu bị bệnhphải báo ngay cho chính quyền địa phương và cán bộ thú y, đồng thời xử lý kịp thời nếu có dịch bệnh xảy ra. Sau thời gian 21 ngày nếu trên địa bàn không có gia cầm bị nhiễm bệnh thì người dân có thể trở lại chăn nuôi nhưng cần phải theo khuyến cáo của các ngành chức năng. Theo đó, khi mua giống cần xác định rõ nguồn gốc, nếu giống từ nơi khác về phải có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y cấp. Đồng thời phải thực hiện đăng ký, kê khai với chính quyền địa phương để được hỗ trợ trong quá trình nuôi. Đặc biệt phải tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin, nhất là vắc xin cúm gia cầm và thường xuyên chú trọng công tác tiêu độc, khử trùng vệ sinh chuồng trại./.
Bá Thuần-Biên Cương