Nhằm tái sử dụng hiệu quả các loại phế thải nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, cải tạo đất, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực, tăng hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 324/QĐ-UBND ngày 5/2/2021 phê duyệt đề án “Ứng dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Đề án này hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp sạch, cung cấp những sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên cơ sở ứng dụng những chế phẩm vi sinh.
Người dân phường Đông Thanh, TP. Đông Hà sử dụng chế phẩm vi sinh ủ phân hữu cơ bón cho đất - Ảnh: T.L |
Theo đề án, UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức chỉ đạo thực hiện. Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin khoa học và công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ ) là đơn vị chuyên môn sản xuất, cung ứng chế phẩm đảm bảo chất lượng, số lượng, thời gian; xây dựng mức giá, tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng cho các địa phương.
Ông Đào Ngọc Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin khoa học và công nghệ cho biết, mục tiêu cụ thể của đề án nhằm phát động phong trào sử dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh nhằm cải tạo đất, thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, xử lý ô nhiễm môi trường, góp phần tạo bước đột phá trong nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển thời kỳ mới. Đồng thời, ứng dụng có hiệu quả các loại chế phẩm vi sinh trong trồng trọt; chăn nuôi lợn; nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân trong nền kinh tế hội nhập và cải thiện chất lượng môi trường.
Theo đề án, các năm từ 2021 đến 2023, tuyên truyền sâu rộng và hiệu quả phong trào ứng dụng chế phẩm vi sinh vào sản xuất, đời sống. Hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức cho các hộ nông dân ứng dụng các loại chế phẩm vi sinh vào sản xuất nông nghiệp. Sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp và xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường tại các xã về đích nông thôn mới trước và trong năm 2021. Mỗi năm tỉnh hỗ trợ 8 tấn chế phẩm Compo-QTMIC và Tricho-Pseu sử dụng xử lý khoảng 4% lượng phế phụ phẩm, sản xuất 8.000 tấn phân hữu cơ. Hỗ trợ 4 tấn chế phẩm Nitro-QTMIC/ năm dùng để xử lý môi trường ao nuôi (cho 40 ha ao nuôi/vụ) và 4 tấn chế phẩm Perfect-QTMIC bổ sung thức ăn nuôi tôm (cho 8 ha ao nuôi/vụ). Giới thiệu, hướng dẫn một số trang trại chăn nuôi lợn và các hộ gia đình sử dụng chế phẩm Pro-QTMIC bổ sung thức ăn và chế phẩm Bio-QTMIC xử lý môi trường chăn nuôi. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 70%, còn lại là nguồn đối ứng của người dân.
Từ năm 2024 đến 2025, hình thành được thói quen, ý thức sử dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp cho người dân. Tận dụng 50% lượng phế phụ phẩm để sản xuất phân bón và tiếp tục hỗ trợ chế phẩm sinh học trong chăn nuôi với nguồn hỗ trợ 50% từ ngân sách nhà nước. Đến năm 2030, phấn đấu toàn tỉnh có 70% lượng phế phụ phẩm nông nghiệp (khoảng 400.000 tấn); từ 50 - 60% các trang trại nuôi tôm thâm canh sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý môi trường ao nuôi và bổ sung trong khẩu phần thức ăn. Có từ 40 - 50% trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm sử dụng chế phẩm vi sinh để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn sinh học. Hình thành được mạng lưới cung ứng chế phẩm vi sinh đến các địa phương.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị Trần Ngọc Lân cho biết, việc đầu tư và nâng cấp đồng bộ các trang thiết bị cũng như công tác nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất các loại chế phẩm vi sinh luôn được cơ quan này quan tâm. Từ năm 2018 Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin khoa học và công nghệ Quảng Trị đã sản xuất thành công 6 loại chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất và đời sống. Các loại chế phẩm do trung tâm sản xuất đạt chất lượng tốt, đã được tiến hành đăng ký và đã được các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, đánh giá, cấp phép sản xuất và thương mại, qua thực tế sử dụng đã được người dân đánh giá cao, nhất là các loại chế phẩm phục vụ nuôi tôm ở địa phương. Đặc biệt giá bán các loại chế phẩm khá hợp lý nên được người dân quan tâm sử dụng. Với năng lực sản xuất trước mắt đạt trên 30 tấn sản phẩm/năm nên trung tâm hoàn toàn có khả năng cung cấp các loại chế phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Trần Ngọc Lân, tiềm năng sử dụng các chế phẩm vi sinh trong phát triển nông nghiệp rất lớn, là một hướng đi đúng đắn, hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái bền vững và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trên thực tế việc sử dụng chế phẩm vi sinh vẫn còn một số khó khăn như: Hiểu biết về khoa học kỹ thuật của người dân còn hạn chế; sử dụng phân ủ hữu cơ vi sinh có tác dụng chậm hơn và tốn công hơn so với bón phân vô cơ và người dân chưa có thói quen sử dụng phân hữu cơ thay thế phân bón hóa học. Do vậy công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân phải thực hiện tích cực, đồng bộ và thường xuyên. Ngoài ra, cần có sự đầu tư chuyển giao kỹ thuật, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ủng hộ và ứng dụng rộng rãi các chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp. Như vậy mới giúp cho nông dân có thể nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng môi trường.
Có thể khẳng định ứng dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất nông nghiệp là một yêu cầu cấp thiết đối với phát triển nông nghiệp nông thôn Quảng Trị, phù hợp với chủ trương tiếp tục tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Tú Linh (baoquangtri.vn)