Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh (SX- KD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, hàng năm, ngay từ đầu năm, Hội Nông dân (ND) huyện Triệu Phong (Quảng Trị) tổ chức cho các cơ sở hội ký kết thi đua, đồng thời tuyên truyền vận động tập thể và hộ nông dân tham gia đăng ký thực hiện. Theo đó, các cơ sở hội tích cực phối hợp với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện và hỗ trợ nguồn lực giúp nông dân phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo đầu tư mở rộng SX- KD, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Để phong trào thi đua SX-KD giỏi phát triển, Hội ND phối hợp với các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện tổchức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học với 145 lớp/năm cho trên 5.800 lượt hội viên tham dự, tổ chức dạy nghề17 lớp/năm với 510 học viên tham gia và được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành khoá học. Hội còn đứng ra làm cầu nối cho nông dân vay vốn để phát triển SX- KD. Đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã giải ngân hơn 133 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân hơn 146 tỷ đồng cho nông dân vay. Nhờ đó, nông dân đã mua sắm hơn 200 máy cày làm đất sản xuất nông nghiệp, 120 máy gặt đập liên hợp, đóng mới 12 tàu có công suất trên 90 CV đánh bắt thủy sản xa bờ, 71 tàu đánh bắt gần bờ và 304 chiếc đánh bắt ven bờ bãi ngang cũng như đầu tư phát triển SX- KD khác. Bên cạnh đó, nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân phát triển qua các năm, đến nay có hơn 600 triệu đồng, giúp cho 20 hộ nông dân vay xây dựng mô hình sản xuất mới. Nguồn quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, tỉnh hơn 1 tỷ đồng cho 40 hộ nông dân vay để SX- KD. Qua tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, sự hỗ trợ của Hội ND, hội viên nông dân đã xây dựng và phát triển trên 500 mô hình mới trong SX- KD.
Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng ở xã Triệu Giang, Triệu Phong
Ngoài sự hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tín chấp để nông dân vay vốn ưu đãi, các cấp Hội ND trong huyện tổ chức cho hội viên tham quan mô hình SX- KD giỏi trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, đến nay 100% cơ sở đã hoàn thành, thuận lợi cho phát triển gia trại, trang trại. Hiện toàn huyện có trên 200 gia trại, trang trại sản xuất có hiệu quả. Chú trọng xây dựng mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác chăm lo các mặt cho xã viên như đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, làm tốt các khâu dịch vụ như điện thắp sáng, phân bón, thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, nông dân đã mạnh dạn đưa các giống cây con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà. Từ đó, diện tích gieo trồng hàng năm luôn đạt 15.544ha, sản lượng lúa hàng năm đạt 52.000- 53.000 tấn, năng suất bình quân 50 tạ/ha. Từng bước nâng cao chất lượng và số lượng ngành chăn nuôi, hàng năm đàn lợn có từ 50.000-55.000 con, trâu 1.933 con, bò 9.246 con, tỉ lệ bò lai đạt 42%, gia cầm 433.679 con. Đối với phát triển lâm nghiệp, nông dân trồng mới 900 ha rừng, chăm sóc rừng trồng 2.421 ha đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gỗ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Nuôi trồng thuỷ sản chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là chuyển đổi từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, diện tích tôm thẻ thả nuôi 65,49 ha, tôm sú17,6 ha, tôm sú xen cua 28,92 ha. Ngành nghề, kinh doanh dịch vụ phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Để xác định nguyên nhân kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong phát triển SX- KD, nhất là đối với phong trào thi đua SX- KD giỏi, Hội ND huyện tiến hành khảo sát, phân loại hộ nghèo, nguyên nhân đói nghèo để có giải pháp thích hợp và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ sở hội và chi hội, đánh giá, chấm điểm và xếp loại cơ sở hội và chi hội vào cuối năm. Trên cơ sở đó đề ra mục tiêu, chương trình hành động cụ thể, phân công hội viên khá, giàu kèm cặp giúp đỡ hộ nghèo với phương châm hỗ trợ đi đôi với hướng dẫn. Nhờ đó, đến nay toàn huyện có 7.096 hộ đạt danh hiệu SX- KD giỏi các cấp, trong đó cấp Trung ương 36 hộ, cấp tỉnh 223 hộ, cấp huyện 955 hộvàcấp xã5.882 hộ, so với năm 2010 tăng 88 hộ. Hàng năm, Hội ND các cấp trong huyện giúp đỡ cho 100- 150 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 25,1 triệu đồng/năm. Tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 5,98%.
Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện nên rất thuận lợi trong việc xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 1.252 hộ tự nguyện hiến 167.861 m2 đất để xây dựng trường học, làm đường giao thông, làm chợ và xây dựng di tích lịch sử; đóng góp 13.045 ngày công, 4,767 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như làng Anh Tuấn, xã Triệu Tài huy động được trên 1 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn; làng Đạo Đầu, xã Triệu Trung vận động nông dân, huy động nguồn lực di dời 1.200 ngôi mộ, giải phóng trên 24 ha đất đưa vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Trương Thế Hạnh, Chủ tịch Hội ND huyện cho biết, phong trào nông dân thi đua SX- KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã khẳng định sự đúng đắn về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế- xã hội; phát huy truyền thống đoàn kết, giúp nhau trong sản xuất. Qua đó, khích lệ, động viên tinh thần hăng say, nhiệt tình hưởng ứng, dám nghĩ, dám làm cùng tham gia phong trào của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân. Để làm nên sự thành công đó, trong tổ chức, chỉ đạo phong trào SX- KD giỏi, các cấp Hội ND trong huyện tập trung đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến, kịp thời biểu dương, khen thưởng các hộ nông dân đạt thành tích xuất sắc. Tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền và sự phối hợp với Mặt trận, đoàn thể, các ngành nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp trong quá trình tổ chức và thực hiện chỉ đạo phong trào. Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật cho cán bộ hội các cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
baoquangtri.vn