Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng là 1 trong 3 phong trào lớn, trở thành chương trình hành động trong mỗi cán bộ, hội viên nông dân xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh. Phong trào này đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững, đưa Vĩnh Thủy trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Trị đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Toàn xã Vĩnh Thủy hiện có 1.400 hội viên nông dân, sinh hoạt trong 12 chi hội, thu hút gần 90% nông dân trong xã tham gia. Để thúc đẩy phong trào phát triển, thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp Hội Nông dân xã Vĩnh Thủy có nhiều giải pháp tích cực trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên và nông dân về lợi ích của phong trào. Đồng thời khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy nội lực, tính sáng tạo và thi đua làm giàu trong nông dân để thúc đẩy phong trào. Nhờ vậy, phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực. Hàng năm, nông dân tự nguyện đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi và được các cấp hội chấm điểm, bình xét các tiêu chí thi đua. Để thúc đẩy phong trào ngày càng mạnh mẽ, 2 năm một lần, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã tổ chức tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng mô hình cho hội viên, đồng thời đề nghị các cấp biểu dương khen thưởng các điển hình tiên tiến.
Đưa máy móc vào thu hoạch lúa ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh
Vĩnh Thủy là một trong những địa phương của huyện Vĩnh Linh đi đầu trong việc ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đưa các giống cây trồng, vật nuôi vào sản xuất, chăn nuôi. Nhờ vậy năng suất, chất lượng các loại cây trồng, vật nuôi tăng cao. Năm 1998, năng suất lúa trong xã chỉ đạt từ 40-45 tạ/ha đến nay đạt bình quân 54 tạ/ ha. Đặc biệt, một số mô hình chăn nuôi các loại giống mới như: nhân giống lợn rừng, bồ câu Pháp, thỏ lai, nuôi bò nhốt… không chỉ đem lại giá trị thương phẩm mà còn kích cầu thị trường lớn, tạo sự cạnh tranh cao. Vĩnh Thủy cũng là địa phương có diện tích rừng trồng và cây cao su đứng thứ hai trong huyện. Nhiều mô hình kinh tế tổng hợp do nông dân làm chủ đã có thu nhập từ 500 triệu đến 1,3 tỷ đồng. Hiện toàn xã có 106 trang trại, đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những mô hình trang trại đang phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao đó là: Trang trại vườn đồi theo hướng “vườn-chuồng-rừng”, trang trại tổng hợp “vườn-chuồng-ao-rừng”, trang trại nuôi cá kết hợp trồng lúa với chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất cá giống, chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp…Bên cạnh việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nông dân Vĩnh Thủy đã mạnh dạn đầu tư mua sắm các loại máy móc hiện đại đưa vào sản xuất nông nghiệp. Năm 1996 toàn xã chỉ có 12 máy làm đất thô sơ, công suất thấp, đến nay đã có trên 100 máy hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu làm đất cũng như thu hoạch lúa, chế biến nông sản. Hiện nay, các khâu làm đất, thu hoạch lúa, khai thác rừng trồng, khai thác vật liệu xây dựng, làm đường giao thông, vận chuyển trên địa bàn đã được cơ giới hoá 100%. Bên cạnh các hộ sản xuất nông nghiệp, Vĩnh Thủy có trên 250 hộ nông dân mở mang các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, theo hình mẫu đa ngành, đa nghề. Không chỉ khai thác tốt tiềm năng lợi thế trên địa bàn, phục vụ tốt nhu cầu cho nhân dân mà còn tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, thực hiện tốt công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nhiều hộ có thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng từ các loại hình kinh doanh dịch vụ.
Đến nay, Vĩnh Thủy có 485 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm gần 35% số hộ trong xã, trong đó có nhiều hộ đạt chuẩn cấp quốc gia, như mô hình kết hợp vừa sản xuất với kinh doanh dịch vụ của gia đình ông Nguyễn Khắc Cận có thu nhập trên 1,3 tỷ đồng mỗi năm. Không chỉ vươn lên làm giàu cho gia đình, nông dân Vĩnh Thủy còn phấn đấu thực hiện phương châm “làm giàu để góp phần xây dựng quê hương”. Bên cạnh sự cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất-kinh doanh, nông dân Vĩnh Thủy đã tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng cùng địa phương xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, các thiết chế văn hoá, tham gia các phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, xây dựng tổ chức Hội, HTX nông nghiệp, xây dựng làng văn hoá, khu dân cư văn hoá, đặc biệt là trong phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình phấn đấu thi đua để đạt được danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, việc giúp đỡ các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn luôn là tiêu chí mà các cấp hội cũng như hội viên quan tâm. Trong những năm qua hàng trăm hộ sản xuất, kinh doanh giỏi đã tự nguyện chia sẻ, giúp đỡ hộ nghèo bằng nhiều hình thức, phương pháp rất sáng tạo và có hiệu quả như giúp nhau giống cây trồng, con nuôi, cho vay vốn không tính lãi hoặc lãi suất thấp, tạo việc làm thuận lợi và có thu nhập ổn định cho hội viên. Bên cạnh đó, các hộ còn chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh cho các hộ thiếu kiến thức, thiếu điều kiện. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của Vĩnh Thủy hiện chỉ có 8,7% theo điều tra hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020.
Phong trào thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi thực sự đem lại ý nghĩa sâu sắc, đáp ứng nguyện vọng của nông dân, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, nên đã thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia. Không chỉ đưa nền kinh tế địa phương phát triển bền vững mà còn có tác động tích cực đến đời sống xã hội. Số hộ nông dân trên địa bàn xã đạt danh hiệu “Sản xuất- kinh doanh giỏi” ngày càng nhiều, hộ nghèo, cận nghèo ngày càng thu hẹp. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Vĩnh Thủy đã xây dựng các định hướng mới để hội viên phát huy năng lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế làm giàu cho quê hương.
baoquangtri.vn