Những năm qua, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, trở thành phong trào điển hình của Hội Nông dân huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình hội viên nông dân làm kinh tế giỏi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Phát huy thế mạnh từng vùng, vận động nông dân xây dựng các mô hình kinh tế, bố trí cây trồng, vật nuôi cho phù hợp là cách mà Hội Nông dân Cam Lộ đã và đang triển khai để thu hút hội viên tham gia phong trào nông dân SXKD giỏi. Đối với vùng trồng lúa, cây hoa màu ngắn ngày ở các xã Cam An, Cam Thanh, Cam Thủy, Cam Hiếu..., Hội Nông dân huyện phối hợp với các xã vận động nông dân tích cực thực hiện quy hoạch, đổi thửa dồn điền, cải tạo đồng ruộng, di dời mồ mả, mở rộng diện tích; hỗ trợ hội viên đầu tư thâm canh, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, chủ động sản xuất giống lúa, trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày, cây ăn quả có chất lượng và hiệu quả kinh tế. Vùng gò đồi, vùng đất đỏ bazan ở các xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành... có khả năng phát triển cây công nghiệp dài ngày và trồng rừng, hội bám sát nghị quyết, đề án về phát triển cây cao su, cây hồ tiêu của địa phương, vận động nông dân mở rộng diện tích trồng cao su, trồng rừng nguyên liệu, xây dựng các mô hình vườn tiêu sạch bệnh có năng suất cao…
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao của hội viên nông dân huyện Cam Lộ
Cùng với cây trồng, chăn nuôi cũng được phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đàn gia súc và đa dạng hóa các loại vật nuôi. Đặc biệt, sau khi có đề án “Cải tạo và phát triển đàn bò” của huyện, Hội Nông dân Cam Lộ đã vận động hội viên thay đổi tập quán chăn nuôi từ chăn thả sang chăn giữ. Mô hình trồng cỏ nuôi bò thâm canh, bán thâm canh được phát triển, tốc độ lai sind hóa đàn bò tăng nhanh đáng kể, chiếm 56,17% tổng đàn bò của huyện. Nhiều hộ trước đây chỉ chăn nuôi theo dạng nhỏ lẻ 1 đến 2 con để tận dụng thức ăn sẵn, nay đã vay vốn đầu tư trồng cỏ, thụ tinh nhân tạo cải tạo con giống, mở rộng chuồng trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp từ 5 đến 10 con, cho thu nhập mỗi năm từ 120 - 200 triệu đồng. Mô hình liên kết nuôi lợn theo hình thức 4 nhà ngày càng phát triển ở các xã: Cam Thanh, Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa và thị trấn Cam Lộ với quy mô lên đến hàng ngàn con lợn/lứa/trang trại; các mô hình nuôi bồ câu pháp ở xã Cam Thủy và Cam Chính; nuôi gà công nghiệp ở các xã Cam Hiếu, Cam Nghĩa hay nuôi thỏ, nuôi nhím ở xã Cam Thành… cũng được nhân rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện. Sau 20 năm hưởng ứng phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, tính từ năm 1996-2016, huyện Cam Lộ có 4.170 hộ nông dân đăng ký SXKD giỏi các cấp, chiếm 47,3% số hộ nông dân toàn huyện, trong đó có 2.486 hộ được công nhận đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp, chiếm 59,4% số hộ đăng ký với 5 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi cấp Trung ương; 130 hộ cấp tỉnh; 547 hộ cấp huyện và 1.804 hộ cấp cơ sở. So với giai đoạn 1996 - 2006, mức thu nhập bình quân của nông dân Cam Lộ tăng gấp 3,5 lần; số hộ có mức thu nhập trên 100 triệu đồng /năm tăng 5,5 lần.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới phá thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề mới trong kinh tế nông thôn, hình thành nhiều mô hình sản xuất kinh tế tổng hợp hiệu quả. Điển hình có hộ gia đình ông Hồ Văn Dương, thôn An Bình, xã Cam Thanh. Ông Dương nhận 6 ha ruộng bỏ hoang để xây dựng mô hình lúa - cá và mở trại nuôi lợn theo hình thức liên kết 4 nhà, mỗi năm thu nhập bình quân sau khi đã trừ chi phí trên 300 triệu đồng. Ông Trần Thiện Thạch ở thôn Trúc Khê, xã Cam An đã đầu tư xây dựng mô hình xay xát chế biến thức ăn gia súc kết hợp thêm chăn nuôi trồng trọt, mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng. Bà Trần Thị Tâm, hội viên nông dân xã Cam Thành với mô hình trang trại hàng năm thu về hàng trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, thôn Cu Hoan, xã Cam Nghĩa ngoài trang trại chăn nuôi lợn hàng năm cho thu nhập từ 70-100 triệu đồng, còn làm dịch vụ vận tải, cung ứng thức ăn chăn nuôi, thu mua hàng nông sản tạo việc làm cho 20-30 lao động/năm. Ông Nguyễn Đăng Anh ở thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền đã đầu tư làm vườn ươm, ươm nhiều loại cây giống bời lời, keo lai... lợi nhuận mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Hoài, Chủ tịch Hội Nông dân Cam Lộ đánh giá, những năm qua, phong trào thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được các cấp hội trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và đạt được những kết quả đáng mừng. Nổi bật là các hội viên đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển cây công nghiệp phù hợp với điều kiện địa lý, đất đai và chăn nuôi các con nuôi cho giá trị kinh tế cao. Có thể nói, phong trào thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế của hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã tạo động lực, làm thay đổi nhận thức và hành động của đông đảo hội viên, giúp nông dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
baoquangtri.vn