Xã Triệu Ái có diện tích tự nhiên là 10. 270 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 8.591 ha (chiếm hơn 80%). Với lợi thế là vùng gò đồi, có điều kiện mở rộng và phát triển các mô hình kinh tế, đặc biệt là phát triển mạnh về kinh tế rừng. Thực hiện chủ trương về phát triển lâm nghiệp bền vững, trong những năm qua Hội Nông dân xã đã tuyên truyền, vận động hội viên vay vốn để đầu tư trồng rừng, nhất là rừng chuyên canh gỗ nguyên liệu và tham gia mô hình quản lý rừng bền vững. Đến nay, toàn xã có 32 hộ đã được cấp chứng chỉ rừng FSC với diện tích 348,02 ha nâng cao giá trị sản xuất, giá trị sản phẩm của cây lâm nghiệp, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng cà gai leo của hội viên Trương Thuận Ái chi Hội Tân Phổ
Trong thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng xâm hại rừng được kiểm soát, sâu bệnh hại rừng được phát hiện và tổ chức dập dịch kịp thời không để phát thành dịch, công tác phòng, chống cháy rừng được triển khai thực hiện có hiệu quả nên không xảy ra cháy rừng.
Song song với việc phát triển kinh tế rừng, Hội Nông dân xã đã vận động hội viên nông dân chuyển đổi diện tích đất lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu, các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Toàn xã đã xây dựng được 3 mô hình trồng cà gai leo với diện tích 31 ha; mô hình trồng dứa với diện tích 17 ha với 4 hộ tham gia… Ngoài ra thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 30/12/2010 của Huyện ủy (khóa XVIII) "Về phát triển cây cao su tiểu điền vùng gò đồi giai đoạn 2011-2015", đến nay diện tích cây cao su trong toàn xã là 453 ha, trong đó đã khai thác được 40,7ha; giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 40 lao động.
Phát triển kinh tế rừng đang là hướng đi mới trong phát triển kinh tế vùng gò đồi của xã nhà, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển lâm nghiệp bền vững; góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên rừng, đất rừng và bảo vệ rừng;chính nhờ thu nhập có hiệu quả từ rừng mà đời sống hội viên nông dân trong xã ngày càng được cải thiện, con cái được học hành đến nơi đến chốn, xây dựng nhà cửa khang trang, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc./.
Đỗ Minh Tý