Là huyện miền núi có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, trong những năm qua, người dân ở huyện miền núi Hướng Hóa đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Làm giàu từ lan rừng
Dù mới ra đời chỉ ít năm nhưng vườn lan rừng Trà Thơi ở thôn Đại Thủy, xã Tân Liên của anh Dương Thế Thông được giới chơi lan trong nước biết đến bởi ở đây có nhiều loài lan đẹp, độc, lạ.
Anh Thông chăm sóc vườn lan của mình
Bắt đầu trồng lan rừng từ năm 2016, đến nay anh Thông đã có trong tay vườn lan rộng gần 2.000 m2 với hơn 15.000 giò lan nhiều chủng loại trị giá hàng tỷ đồng, với trên 30 chủng loại khác nhau như giả hạc, quế lan hương, nghinh xuân, tam bảo sắc, trầm tím, kiều hồng, đuôi chồn…Loại đơn thân trồng chậu, loại thân thòng treo ngược hay những loại ghép trên gỗ lũa đang chen nhau đua sắc. Anh Thông đến với nghề trồng lan rừng xuất phát từ sở thích và đam mê. Khi còn làm việc, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh chơi lan kết hợp với mua đi bán lại kiếm lời. “Khi giới thiệu sản phẩm ra thị trường, tôi nhận thấy nhu cầu trưng bày và trồng lan ngày càng nhiều và không giới hạn tuổi tác, nghề nghiệp. Vì thế, đầu năm 2016, trên nền đất sẵn có của gia đình, tôi quyết định nghỉ việc, thế chấp nhà vay ngân hàng gần 2 tỷ đồng đầu tư vườn trồng lan”, anh Thông tâm sự.
Những ngày đầu trồng đại trà, anh Thông gặp không ít khó khăn do không nắm vững kỹ thuật, nên bị hao hụt nhiều. Nhưng nhờ chịu khó vừa làm, vừa học hỏi nên chỉ hơn 1 năm tay nghề trồng lan của anh đã vững hơn và có thể điều khiển lan ra hoa đáp ứng nhu cầu của người chơi. Theo kinh nghiệm của anh Thông, chọn giống là khâu quan trọng nhất, vì giống sẽ quyết định đến chất lượng hoa sau này. Cây giống phải sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, anh đầu tư làm khung nhà vườn bằng sắt, che mái bằng lưới đen để nâng cao tuổi thọ và tránh đổ ngã. Để tạo độ ẩm cho cây trong điều kiện khí hậu nắng nóng, anh lắp đặt hệ thống tưới phun sương. Đây cũng là cách làm được nhiều người trồng hoa lan áp dụng và mang lại hiệu quả rõ nét. Ngoài ra, để hoa lan trổ đúng thời vụ, anh thiết kế vườn hoa có chỉ số ngoại cảnh tương đồng với từng loại trong môi trường tự nhiên. “Khó nhất là kỹ thuật chăm sóc, bởi mình không nắm bắt được cụ thể nhu cầu thiết yếu của cây lan như độ gió, độ nắng, độ ẩm như thế nào, nhu cầu bón phân và chế độ phân ra sao. Rồi tùy loại lan mà chế độ chăm để cây ra hoa hay đâm chồi cũng khác nhau, rồi chế độ tưới, ngắt nước như thế nào cũng là chuyện không đơn giản. Tôi rất may mắn là ngoài tìm hiểu kỹ thuật thông qua tài liệu, sách vở còn được sự giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm rất nhiệt tình từ những người bạn trong hội đam mê trồng lan rừng khắp cả nước. Nhiều người đã về tận vườn lan của tôi ở lại hằng tuần cùng tôi chăm sóc lan”, anh Thông chia sẻ.
Để có được các giống lan rừng đẹp và quý hiếm, anh Thông bỏ nhiều thời gian thăm các vườn trồng lan có tiếng khắp các vùng trong và ngoài tỉnh, tìm mua qua mạng internet để về nhân giống. Anh luôn ưu tiên lựa chọn các giống lan phù hợp với điều kiện khí hậu của Hướng Hóa. Sau gần 2 năm trồng và chăm sóc, đến nay anh Thông đã có trong tay hơn 15.000 giò hoa lan rừng, trong đó nhiều nhất là giả hạc với hơn 8.000 giò. Hiện sản phẩm hoa lan rừng của anh đang được khách hàng trong và ngoài tỉnh hết sức ưa chuộng. Anh Thông cho biết: Với sự phát triển của facebook nên giờ tôi có thể bán lan trực tiếp đến từng người yêu lan. Hằng ngày tôi livestream bán lan từ 10 giờ sáng đến khoảng 16 giờ chiều. Bình quân mỗi ngày bán từ 50-70 giò lan, mang lại doanh thu từ 5-7 triệu đồng/ngày.
Theo anh Thông, những năm gần đây phong trào chơi lan phát triển mạnh trên khắp cả nước. Số người chơi ngày càng đông đảo, kiểu chơi cũng rất phong phú. Nhiều người thích chơi những giò lan “khủng”, một số người lại mê các giống lan cổ, có người lại ưa những loài lan đột biến gen, độc, lạ. Mà đối với người chơi lan, khi đã thích là không còn quan tâm đến giá cả. Có giò chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng có giò được trả tới hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng là chuyện thường. Anh Thông tiết lộ, hiện trong vườn anh có những giống lan đột biến lá, hoa như giả hạc 5 cánh trắng, giả hạc trắng, giả hạc lá sọc, quế lá sọc, tam bảo hồng, tam bảo sắc trắng trị giá hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi giò, trong đó có giò giả hạc đột biến được anh đặt tên là “Giả hạc 5 cánh trắng thần tài Trà Thơi” được anh xem như là bảo vật trấn vườn.
Thu nhập cao từ cây chanh leo
Bỏ trồng chuối vì giá cả xuống thấp, đầu ra không ổn định, cuối năm 2017 gia đình ông Trần Ngọc Minh ở khóm Tây Chín, thị trấn Lao Bảo đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm 40 gốc chanh leo. Sau hơn 6 tháng trồng và chăm sóc, cây chanh leo đã cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.
Thu hoạch quả chanh leo
Ông Minh cho biết: Trên diện tích này trước đây gia đình chủ yếu trồng cây chuối nhưng do giá cả xuống thấp, thu nhập không đủ chi phí. Tình cờ tôi được người thân ở phía Nam giới thiệu mô hình trồng cây chanh leo. Nhận thấy đây là loại cây trồng mới có thể mang lại thu nhập cao cho gia đình, tôi đã tìm tới tận nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm và mua 40 cây giống về trồng trên diện tích gần 2 sào đất vườn của gia đình. Không phụ lòng người, sau gần 6 tháng tập trung chăm sóc, vườn chanh leo của tôi phát triển rất tốt và cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên.
Theo ông Minh, so với các loại cây ăn quả khác thì trồng chanh leo chỉ tốn kém chi phí đầu tư ban đầu do phải đúc trụ bê tông và sử dụng dây thép để làm giàn cho chanh leo, còn việc chăm sóc rất đơn giản. Cây chanh leo có sức đề kháng rất cao, sinh trưởng mạnh, thích nghi với nhiều loại đất. Vì vậy để cây chanh leo phát triển tốt chỉ cần cung cấp đầy đủ nước tưới. Trong quá trình trồng chỉ cần tỉa cành, lá để cây phát triển tốt. Ông Minh tiết lộ, với mô hình trồng chanh leo này ông hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học mà chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai để bón. Theo ông Minh: Thông thường quả chanh leo hay bị con ong vàng chích hút làm quả bị hư hỏng, mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến giá bán. Cách phòng trừ rất đơn giản, chỉ cần mua các loại thuốc dẫn dụ côn trùng ở các cửa hàng bán thuốc BVTV về treo rải rác ở trong vườn. Còn về chăm sóc thì định kỳ 15 - 20 ngày bón thêm một ít phân chuồng đã ủ hoai, để phòng trừ các loại sâu bệnh hại chanh leo, tôi sử dụng các ổ kiến đỏ.
Chanh leo là loại cây lưỡng tính nên sau khi ra quả thì người trồng có thể thu hoạch liên tục trong 3 - 4 năm nếu chăm sóc tốt, năng suất năm sau cao hơn năm trước. Từ lứa chanh leo thứ 2 trở đi, vườn chanh leo của ông Minh cứ đều đặn ra hoa, kết trái liên tục, đợt này nối tiếp đợt kia. Nhờ vườn chanh leo liên tục ra quả mà với 40 cây chanh leo trồng thí điểm ban đầu, từ giữa tháng 5 đến nay bình quân ngày nào ông Minh cũng thu từ 20 - 30 kg quả mang về nhập cho thương lái với giá bình quân 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Nói về hiệu quả của cây chanh leo, ông Minh khẳng định: Tôi làm nông nghiệp đã nhiều năm, đã thử sức với nhiều loại cây trồng. Tôi thấy trồng chanh leo cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Nếu chăm sóc tốt, có đầu ra ổn định cây chanh leo không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà có thể làm giàu được.
Mô hình làm phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê
Tận dụng lượng vỏ cà phê sau khi chế biến để ủ thành phân hữu cơ vi sinh, cách làm này đã mang lại hiệu quả kép cho các thành viên trong HTX Cà phê Công Bằng Sa Mù (xã Hướng Phùng). Mô hình này không chỉ giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn giảm thiểu được chi phí đầu tư trong sản xuất.
Mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê tại HTX Công Bằng Sa Mù
Với hơn 1,5 ha cà phê, bình quân mỗi năm ông Trần Thiên Quốc ở thôn Hướng Độ, xã Hướng Phùng thu được từ 3 - 4 tấn vỏ cà phê. Trước đây lượng vỏ này được gia đình tận dụng để bón cho cây trồng nhưng do đổ trực tiếp vào gốc cây nên lượng dinh dưỡng hấp thu được từ vỏ không nhiều, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho một số loại vi sinh vật có hại, sâu bệnh phát triển gây hại cho cây cà phê. Năm 2016, khi tham gia vào HTX Cà phê Công Bằng Sa Mù, ông Quốc cùng các hộ xã viên khác quyết định tận dụng lượng vỏ cà phê thu được sau khi chế biến để ủ thành phân hữu cơ vi sinh. Cách làm này đã góp phần bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây cà phê, cũng như giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Ông Quốc chia sẻ: Ngày trước lượng vỏ cà phê này nếu bỏ đi thì gây ô nhiễm môi trường mà đem bón trực tiếp cho cây thì lại khiến cây thường bị nấm, tuyến trùng… gây hại. Vì thế, nông dân chúng tôi phải tốn nhiều chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật. Từ khi sử dụng phân hữu cơ vi sinh do HTX cung cấp, chúng tôi không những khắc phục được tình trạng trên mà còn giúp cho gia đình giảm thiểu được chi phí, trong khi đó cây cà phê vẫn phát triển tốt, năng suất cao, quả bóng, đẹp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thanh Hoàng, Giám đốc HTX Cà phê Công Bằng Sa Mù cho biết: HTX được thành lập từ năm 2015 với 13 hộ cùng liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê nhằm mang lại lợi ích tối đa cho hội viên, đồng thời phát triển cây cà phê theo chuỗi giá trị hàng hóa. Ban đầu, HTX chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thu mua và chế biến cà phê với sản lượng hằng năm lên đến trên 200 tấn. Trong quá trình chế biến, có một lượng rất lớn phế phụ phẩm là vỏ cà phê nhưng chủ yếu bị vứt bỏ ra môi trường hoặc đem đốt. Một số ít được tái sử dụng như đem bỏ vào gốc cà phê hoặc trộn chung với một số loại phân chuồng rồi bón cho cây… Việc xử lý không đúng cách đã gây lãng phí, ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh cho vụ cà phê năm sau. Trước tình hình đó, các thành viên trong HTX đã nảy ra ý tưởng ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê. Năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm nên với lượng vỏ thu được HTX chỉ ủ được gần 70 tấn phân hữu cơ vi sinh. Năm 2017, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học & Công nghệ về kỹ thuật, men vi sinh, máy xay…, HTX đã nâng quy mô sản xuất lên trên 200 tấn, đảm bảo đủ cung cấp cho bà con xã viên. Thấy hiệu quả từ mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê này nên hiện nay rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn làm đơn xin vào HTX. Để bảo đảm đủ lượng phân vi sinh cho sản xuất, HTX đã tiến hành thu mua vỏ cà phê từ nhiều xã khác nhau thải ra, tránh lãng phí và giải quyết vấn đề môi trường sinh thái. Theo kế hoạch, trong thời gian tới HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích ủ phân hữu cơ vi sinh lên 500 m2 , đạt công suất 300 tấn/năm.
Theo ông Hoàng, để phân hữu cơ vi sinh có chất lượng cao, cần phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng loại men vi sinh có chất lượng tốt. Cụ thể 1 m3 vỏ cà phê cần được trộn đều với men vi sinh, một số loại phân khác cùng với vôi và đường. Sau khi ủ trong khoảng 60 ngày sẽ thu được 200 kg phân hữu cơ vi sinh có chất lượng cao. Ông Hoàng cho biết: Trước đây trên diện tích trồng cà phê gần 3 ha của gia đình, hằng năm tôi phải dùng từ 5 - 6 tấn phân NPK, tính ra xấp xỉ 60 triệu đồng, nay chuyển sang dùng phân hữu cơ vi sinh giảm được khoảng 30% lượng phân bón mà năng suất thu được lại tăng cao hơn so với trước.
Theo ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng: Ưu điểm của phân vi sinh từ vỏ cà phê là dễ làm, tận dụng nguyên liệu, đầu tư ít. Trong phân còn có hàm lượng men, đường, ka li, đạm, vôi làm tăng thêm độ màu mỡ tơi xốp cho đất, phòng trừ một số bệnh hại, nhất là đối với cây cà phê. Ngoài ra, với các loại cây trồng khác như hồ tiêu, cây lấy củ, rau màu... loại phân này cũng rất phù hợp để sử dụng. Điều đặc biệt là việc tự sản xuất phân vi sinh góp phần vào giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Ông Dũng cho biết: Diện tích trồng cà phê toàn xã gần 1.700 ha, sản lượng bình quân hằng năm đạt gần 14.000 tấn. Cùng với đó là 3 doanh nghiệp chế biến cà phê lớn cùng hàng chục cơ sở nhỏ lẻ. Đây là nguồn nguyên liệu rất dồi dào cho việc sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Hiện nay UBND xã đang vận động bà con nông dân đối với các diện tích cà phê tái canh sẽ chuyển sang dùng phân hữu cơ vi sinh để sản xuất theo hướng cà phê sạch. Với các diện tích còn lại, UBND xã vận động theo hướng khi bà con nông dân bán 1 tấn cà phê cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ trả lại cho bà con nông dân 1 lượng vỏ cà phê nhất định nào đó để ủ phân hữu cơ. Song song với đó, UBND xã sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê. Vận động các tổ chức, dự án trên địa bàn huyện như Tầm nhìn Thế giới, EMEE, Viện Mê Kông trong việc hỗ trợ người dân chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ./.
Theo baoquangtri.vn