Đó là mục đích Hội Nông dân huyện hướng tới nhằm hỗ trợ khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Nông dân Hải Lăng trưng bày, quảng bá sản phẩm nông nghiệp “thương hiệu”, chất lượng cao
Hội viên, nông dân các xã Hải An, Hải khê, Hải Vĩnh, Hải Dương đã đầu tư trồng cây ném theo mô hình Việt Gap. Mô hình cho năng suất bình quân đạt từ 70 - 80 triệu đồng/ha. Củ ném tại vùng cát Hải Lăng còn được cấp giấy chứng nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, bà con nông dân phấn khởi trước những vụ được mùa, được giá, được người người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.
Phát huy thế mạnh vùng úng trũng, đất phù sa vùng ven sông, hội viên, nông dân các xã Hải Chánh, Hải Ba, Hải Tân, Hải Hòa tập trung sản xuất lúa hữu cơ với giống lúa chất lượng cao của Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam, cung cấp để tạo ra những sản phẩm gạo sạch, chất lượng cao.
Để xây dựng thương hiệu “Gạo Hải Lăng”, nông dân huyện Hải Lăng đã lựa chọn giống tốt, canh tác theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoàn thiện khâu bảo quản sau thu hoạch. Hiện, sản phẩm "Gạo Hải Lăng" đã đáp ứng nhu cầu của thị trường, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác. Sản phẩm này đạt năng suất lúa 5 tấn/ha, giá lúa 7 ngàn đồng/kg lúa tươi, lợi nhuận 28,2 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất lúa chất lượng cao canh tác truyền thống 19,4 triệu đồng/ha. Vụ Đông Xuân 2017-2018, nông dân huyện sản xuất hơn 35 ha lúa hữu cơ sạch.
Đối với những diện tích lúa kém hiệu quả, bà con nông dân chuyển sang trồng sen lấy gương, 24 hộ nông dân trên địa bàn xã Hải Sơn trồng trên 20 ha sen cho năng suất, chất lượng cao. Ruộng sen của anh Quảng cho năng suất 2,5 tấn/ ha, giá 50 ngàn đồng/kg hạt tươi chưa tách vỏ.
Ngoài ra, hội viên, nông dân trên địa bàn cũng đã thực hiện mô hình trồng rau sạch trong nhà kính. Bằng phương pháp thủy canh luân hồi với hệ thống phun tưới tự động, diện tích rau xà lách và dưa lưới phát triển tốt, cho hiệu quả cao, được người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng.
Khai thác thế mạnh vùng gò đồi, nông dân các xã Hải Chánh, Hải Vĩnh, Hải Phú nhân rộng mô hình trồng gừng trong bao xi măng để chủ động nguồn nguyên liệu làm mứt gừng. Bên cạnh đó, nông dân xã Hải Chánh, Hải Lâm trồng 45 ha giống cam K4. Tại vùng đồi xã Hải Lâm bà con trồng 10 ha với 8 hộ tham gia cho năng suất, chất lượng cao. Nhiều hộ nông dân tại địa phương đầu tư trồng tiêu theo hướng công nghệ cao, với cây giống nhập từ nước ngoài, bón phân hữu cơ và đầu tư công nghệ, chống mưa nắng bằng cách tưới che.
Điển hình như hộ ông Cáp Quốc Hà, ở xã Hải Chánh trồng 800 gốc tiêu giống Srilanka cho thu hoạch và 1.000 gốc tiêu Ấn Độ lai ghép với tiêu Vĩnh Linh đang phát triển tốt.
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Hải Lăng tiếp tục hỗ trợ hội viên, nông dân liên kết sản xuất, mở rộng quy mô, diện tích những loại cây trồng chủ lực, chất lượng cao, có thương hiệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.
Theo hoinongdan.org.vn