Thời gian qua, mặc dù thời tiết âm u, mưa kéo dài kèm theo rét nhưng để đảm bảo lịch trình thời vụ, các địa phương đã tích cực chỉ đạo bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ làm đất, chuẩn bị nguồn giống có chất lượng và tiến hành gieo cấy.
Cán bộ ngành nông nghiệp kiểm tra hạt giống trước khi gieo
Ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Lập Thạch, phường Đông Lễ, Thành phố Đông Hà nói với chúng tôi rằng: Trong vụ hè thu vừa qua, HTX có hơn 30 ha lúa bị bệnh lùn sọc đen, gây thiệt hại rất lớn cho nhiều hộ gia đình. Chính vì vậy, trước khi bước vào vụ Đông Xuân, HTX đã mời cán bộ của Trạm bảo vệ thực vật thành phố về phổ biến cho người dân hiểu rõ nguyên nhân, tác hại của bệnh lùn sọc đen và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ ngay tại đồng ruộng. Từ đó, từng hộ gia đình đã có ý thức vệ sinh đồng ruộng, khử vôi, cày lật toàn bộ diện tích. Bước vào gieo cấy, HTX đã làm dịch vụ và khuyến cáo người dân mua các loại giống lúa có nguồn gốc và sử dụng thuốc để xử lý và cho đến nay 84 ha lúa của HTX đã gieo xong. Còn ông Nguyễn Văn Thức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh cho biết: Vụ hè thu năm 2017, Gio Linh là 1 trong những địa phương có diện tích lúa bị bệnh lùn sọc đen lớn nhất, trên 760 ha, nhiều nơi năng suất chỉ đạt 13 đến 15 tạ/ha, đặc biệt hàng trăm hộ gia đình bị mất trắng. Khi bước vào vụ Đông Xuân 2017-2018 thời tiết có những diễn biến cực đoan, nhất là rét hại, rét đậm nên nguy cơ tiềm ẩn của loại bệnh này trong vụ trước rất lớn. Trước tình hình đó, trong giai đoạn giữa 2 vụ, huyện đã phối hợp với Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật về tại cơ sở tổ chức nhiều lớp tập huấn các biện pháp ngăn chặn bệnh lùn sọc đen. Đồng thời chỉ đạo các địa phương khi gieo cấy chú ý sử dụng các loại giống ngắn ngày và có kế hoạch dự trữ 1 số giống cực ngắn để gieo lại khi có rét đậm gây hại.
Tích cực gieo cấy lúa Đông Xuân
Vụ Đông Xuân 2017-2018, toàn tỉnh Quảng Trị có kế hoạch gieo cấy hơn 25.500 ha lúa và cho đến thời điểm này đã gieo xong trên 50% diện tích, chủ yếu tập trung ở các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Điều đáng nói là một số diện tích ở huyện Triệu Phong, đặc biệt ở huyện Hải Lăng hiện vẫn còn nhiều xã nằm trong vùng úng trũng, nước đang ngập sâu vẫn chưa gieo cấy được, nhiều nơi phải dùng các phương tiện bơm tát để chống úng, làm đất, gieo cấy. Mặt khác theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, thời tiết đang có những diễn biến bất thường, rét có xu hướng xuất hiện trở lại vào tháng 2 và kéo dài từ 5 đến 10 ngày và dịch bệnh cũng có khả năng xuất hiện. Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật nhấn mạnh: Trước mắt thời tiết sẽ có nắng ấm, thuận lợi cho cây lúa nảy mầm và phát triển nhưng đây cũng là lúc mà nhiều loại sâu bệnh xuất hiện, nhất là mới đây khi kiểm tra thực tế trên vườn mạ tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh cho thấy rầy lưng trắng có mẫu đã dương tính với bệnh lùn sọc đen nên nguy cơ phát tán, lây lan rất lớn. Chi cục đã kịp thời chỉ đạo xã Vĩnh Thạch các biện pháp diệt rầy và khuyến cáo ở những diện tích lúa chưa gieo tập trung xử lý giống trước khi gieo cấy. Đồng thời các HTX và bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, phát hiện và xử lý, diệt trừ các loại sâu bệnh. Đặc biệt đối với huyện Hải Lăng và Triệu Phong huy động lực lượng, phương tiện đấu úng, khẩn trương làm đất, triển khai gieo cấy, đảm bảo lịch trình thời vụ, chậm nhất là ngày 30 tháng giêng.
Quảng Trị là địa phương sản xuất nông nghiệp chủ yếu, trong đó vụ Đông Xuân có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định đến tổng sản lượng lương thực cả năm. Do đó, dù khó khăn đến mấy, tỉnh và các ngành chức năng cũng tập trung chỉ đạo bằng các biện pháp đảm bảo diện tích gieo cấy đúng lịch trình thời vụ và tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Mặt khác, các HTX và bà con nông dân cần thường xuyên theo dõi dự báo, diễn biến của thời tiết, chủ động ứng phó và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quá trình sản xuất./.
Bá Thuần