Với tiềm năng về đất đai, khí hậu ôn hòa cùng với sự nhanh nhạy tiếp cận kiến thức khoa học kĩ thuật (KHKT), những năm trở lại đây, nông dân huyện Hướng Hóa đã sôi nổi thi đua làm giàu, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nền kinh tế nông nghiệp của huyện, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương.
Mô hình trồng hồ tiêu của nông dân huyện Hướng Hóa
Xác định nâng cao đời sống nhân dân, hạ thấp tỉ lệ hộ nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng của quá trình xây dựng NTM, Hội Nông dân huyện Hướng Hóa đã phát động sôi nổi và rộng khắp phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong các cấp Hội. Hướng phát triển chủ lực của nền kinh tế nông nghiệp của huyện là theo hướng đa dạng hóa cây trồng, chuyên canh, thâm canh nhiều giống cây trồng mới đưa vào sản xuất cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Từ đây, rất nhiều hộ nông dân đã xây dựng mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập cao. Để giúp nông dân phục hồi và phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian qua, Hội Nông dân huyện Hướng Hóa đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, trong đó thực hiện thí điểm mô hình trồng tiêu bền vững, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt. Dù mới trồng hơn 2 năm nhưng vườn tiêu gia đình ông Dương Văn Hải ở khóm 7, thị trấn Khe Sanh phát triển xanh tốt và bắt đầu bói quả nhờ áp dụng quy trình kĩ thuật bài bản từ khâu ươm giống, làm đất, trồng và chăm sóc; cơ sở hạ tầng phục vụ trồng tiêu đảm bảo, nhất là hệ thống tưới nước vào mùa hè và thoát úng vào mùa mưa. Đồng thời qua so sánh với những diện tích đã có thu hoạch so với phương pháp trồng tiêu truyền thống thì cây đặc biệt không xuất hiện dịch bệnh và có sự chênh lệch về năng suất. Theo đó trong cùng điều kiện chăm sóc giống nhau, phần diện tích áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt có năng suất tăng lên cao, đạt từ 5 - 10 tấn/ha.
Hiện nay ở Hướng Hóa, những mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập khá xuất hiện ngày càng nhiều. Người nông dân đã tiếp cận kiến thức KHKT, vận dụng sáng tạo vào sản xuất. Mạnh dạn đầu tư đưa cây trồng, vật nuôi giống loại mới sản xuất, đồng thời chú trọng thâm canh đúng quy trình những loại cây trồng được xem là chủ lực, tiêu biểu như cà phê chè catimor. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở huyện Hướng Hóa được nâng lên rất nhiều từ khi người nông dân dần đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất. Họ đã chú trọng đầu tư máy móc hiện đại, dần cơ giới hóa, thay thế cho cách thức sản xuất cũ. Việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong nhân giống cây trồng, vật nuôi cũng đã mang lại kết quả đáng khích lệ trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, ổn định, ít sâu bệnh và thích nghi với điều kiện sinh thái ở địa phương. Nhờ thế, đến nay huyện Hướng Hóa đã ổn định một số vùng chuyên canh tập trung, gắn với thị trường tiêu thụ và công nghiệp chế biến như: Cà phê, sắn, chuối, bời lời, cao su, mắc- ca... góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông Lâm nghiệp của huyện đến nay đạt trên 1.200 tỉ đồng. Để có được kết quả này, Hội Nông dân các cấp huyện Hướng Hóa đã có sự vào cuộc kịp thời, trợ giúp nguồn vốn vay và tập huấn kiến thức KHKT. Huy động được nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện trên 1 tỉ đồng. Đến nay đã giải ngân được 15 dự án với 18 hộ vay vốn. Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn lực khác nhau đã hỗ trợ cây, con giống cho hội viên nông dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế với tổng trị giá trên 156 tỉ đồng. Tổ chức dạy nghề, tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ KHKT và công nghệ cho gần 10.000 hội viên. Sự hỗ trợ tích cực trên đã tiếp sức kịp thời cho các hộ nông dân xóa đói giảm nghèo bền vững và vươn lên khá giàu ngay từ ruộng vườn, nương rẫy của quê hương mình.
Song song với mục tiêu đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, Hội Nông dân các cấp huyện Hướng Hóa còn chú trọng mục tiêu tuyên truyền, vận động hội viên đóng góp bằng nhiều cách khác nhau để xây dựng các công trình dân sinh, góp phần nâng cao đời sống của người dân, đồng thời làm đẹp bộ mặt thôn xóm. Điểm sáng của phong trào này chính là sự đồng tình cao trong hội viên, từ đó tình nguyện hiến đất và ngày công để cùng chung tay xây dựng các công trình trọng điểm như: Nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học và đường giao thông nông thôn. Xã Tân Liên là một trong những địa phương đi đầu về phong trào hiến đất. Ở thời điểm “tấc đất tấc vàng” như hiện nay, người nông dân vẫn không ngần ngại hiến hàng trăm mét vuông đất của gia đình cho lợi ích chung của cộng đồng. Qua vận động, đến nay, hội viên nông dân xã Tân Liên đã hiến trên 5.000 m2 đất với tổng trị giá ước tính trên 5 tỉ đồng để làm đường giao thông nông thôn và nhà sinh hoạt cộng đồng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng bộ mặt khang trang, đưa địa phương trở thành một trong những xã đạt chuẩn NTM sớm nhất của huyện Hướng Hóa.
Với ý nghĩa đặc biệt của phong trào hiến đất và ngày công, 5 năm trở lại đây, hội viên nông dân huyện Hướng Hóa đã tình nguyện hiến trên 100.000 m2 đất, đóng góp trên 10.000 ngày công, giúp đỡ làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà hộ nghèo; tham gia duy tu, bảo dưỡng các công trình như: Trạm y tế, trường học, công trình nước sinh hoạt; sửa chữa và nâng cấp trên 100 km đường giao thông nông thôn… qua đó đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, dần hoàn thiện các chỉ tiêu xây dựng NTM. Đời sống của nông dân từ đó cũng được cải thiện đáng kể, hộ khá, hộ giàu tăng nhanh, giảm hộ nghèo xuống còn 28,37% theo tiêu chí mới; 85% số hộ nông dân đạt gia đình văn hóa.
Xác định vai trò chủ lực của mình trong quá trình thúc đẩy ngành kinh tế của huyện nhà phát triển, nông dân huyện Hướng Hóa đã và đang đẩy mạnh các phong trào thi đua từ cơ sở, đặc biệt là xây dựng các chỉ tiêu NTM với quyết tâm giữ vững các tiêu chí quan trọng, phát triển thêm các tiêu chí mới, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu xây dựng NTM của địa phương./.
Baoquangtri.vn