Canh tác tự nhiên, hướng đi hiệu quả trong nông nghiệp

Chủ nhật - 05/03/2017 20:48 73 0
Cùng chúng tôi ra thăm cánh đồng lúa canh tác theo phương pháp tự nhiên, ông Nguyễn Hữu Đạt ở thôn An Hưng, xã Triệu Tài (huyện Triệu Phong) cho biết, từ vụ hè thu 2016, nhóm 10 hộ nông dân địa phương bắt đầu trồng lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên trên diện tích 1,1 ha bằng giống lúa N2. Khi thu hoạch xong, tính toán mọi chi phí, ai cũng phấn khởi vì lợi nhuận đạt cao hơn nhiều so với phương pháp canh tác thông thường.
Canh tác tự nhiên, hướng đi hiệu quả trong nông nghiệp

Cùng chúng tôi ra thăm cánh đồng lúa canh tác theo phương pháp tự nhiên, ông Nguyễn Hữu Đạt ở thôn An Hưng, xã Triệu Tài (huyện Triệu Phong) cho biết, từ vụ hè thu 2016, nhóm 10 hộ nông dân địa phương bắt đầu trồng lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên trên diện tích 1,1 ha bằng giống lúa N2. Khi thu hoạch xong, tính toán mọi chi phí, ai cũng phấn khởi vì lợi nhuận đạt cao hơn nhiều so với phương pháp canh tác thông thường.


Mô hình canh tác lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên của nhóm hộ nông dân thôn An Hưng, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong

Như gia đình ông Đạt, canh tác lúa theo phương pháp tự nhiên trên diện tích gần 2 sào thu được trên 5 tạ lúa, với giá thành 1 kg là 12.000 đồng, gần gấp đôi giá lúa thông thường thì hiệu quả kinh tế là rất rõ ràng. “Lúa canh tác theo phương pháp tự nhiên tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao, không đủ cung cấp cho các thương lái thu mua và quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe của chính người nông dân và môi trường sinh thái nên vụ đông xuân này chúng tôi đã phát triển diện tích lúa canh tác tự nhiên lên 3 ha bằng giống lúa HC95, trong đó diện tích của gia đình tôi cũng tăng lên 2,6 sào”, ông Đạt chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hữu Đạt, lúa canh tác theo phương pháp tự nhiên chú trọng giữ nước trong ruộng, làm đất, vệ sinh cỏ để hạn chế sâu bệnh và tăng độ phì của đất. Đối với phân bón, khác với trồng lúa theo phương pháp thông thường, nông dân trồng lúa theo phương pháp tự nhiên không sử dụng phân bón hóa học mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. “Chúng tôi sử dụng phân chuồng ủ với với một số loại thân, lá cây rồi bơm chế phẩm đã ngâm lên men bao gồm cơm, rỉ mật mía hoặc đường nâu trộn đều, ủ thêm 10 - 15 ngày để tạo vi sinh vật, khử mùi hôi sau đó mới bón cho mỗi sào từ 2 - 2,5 tạ trước khi xuống giống. Để tăng cường dinh dưỡng cho lúa, chúng tôi sử dụng thêm các chế phẩm được ngâm ủ từ bột cá, một số loại cây và rỉ mật mía, bón từ 7 - 10 ngày một lần. Đối với phòng trừ sâu bệnh sử dụng chế phẩm bao gồm gừng, tỏi, ớt, rượu và rỉ mật mía được ngâm ủ từ 10 - 15 ngày để phun theo đợt… Nghe thì phức tạp nhưng quá trình tạo phân bón và chế phẩm phòng trừ sâu bệnh trong canh tác lúa tự nhiên thực ra rất dễ làm, nguyên liệu sẵn có và chi phí thấp hơn hẳn so với canh tác lúa theo phương pháp thông thường”, ông Đạt cho biết.

Sản xuất nông nghiệp theo phương pháp canh tác tự nhiên là quay vòng mùa vụ, dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên, các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật để cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, kiểm soát cỏ, côn trùng và các loại sâu bệnh khác thay cho thâm canh dựa vào hóa chất để tạo ra năng suất vượt trội và cải thiện chất lượng sản phẩm, bảo vệ đất trồng, nguồn nước. Sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên kiểm soát được toàn bộ quá trình sản xuất từ nguyên liệu đầu vào để tạo ra các chế phẩm, quá trình làm đất, bón phân, chăm sóc, do vậy sản phẩm nông sản có dinh dưỡng, không độc hại và có chất lượng cao. Như vậy, có thể thấy rằng, mô hình canh tác lúa theo phương pháp tự nhiên của ông Nguyễn Hữu Đạt cũng như nhóm hộ nông dân ở thôn An Hưng, xã Triệu Tài đã đáp ứng được quy chuẩn của canh tác theo phương pháp tự nhiên.

Trên địa bàn huyện Triệu Phong hiện nay đang duy trì mô hình canh tác theo phương pháp tự nhiên trên tổng diện tích 20,5 ha lúa, 0,7 ha rau màu; nuôi 220 con heo, 6.000 con gà với 151 hộ nông dân tham gia ở các xã Triệu Tài, Triệu Thượng, Triệu Trung, Triệu Sơn và Triệu Trạch. Ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, với những ưu điểm như chi phí thấp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe của nông dân và tạo ra các sản phẩm nông sản sạch có giá trị kinh tế cao, sức mua của thị trường lớn, sản xuất nông nghiệp theo phương pháp tự nhiên đang mở ra hướng đi mới và hiệu quả của địa phương trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. “Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương và nông dân đẩy mạnh sản xuất theo mô hình canh tác này, đồng thời sớm triển khai xây dựng thương hiệu nông sản sạch, trước mắt là thương hiệu gạo sạch. Có được thương hiệu thì sản phẩm của nông dân sẽ “đi” xa hơn và có giá trị cao, dễ tiêu thụ hơn nhờ được nhiều người biết đến, lên được kệ của các siêu thị, trung tâm thương mại”, ông Giải nói.

Huyện Triệu Phong mới đây cũng đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tổ chức Tầm nhìn thế giới Hàn Quốc (WVK) cam kết hỗ trợ triển khai thực hiện dự án “Phát triển chuỗi giá trị địa phương đối với các nông sản áp dụng phương pháp canh tác tự nhiên” với tổng kinh phí gần 1 triệu USD. Mục tiêu của dự án là trong giai đoạn 2017 - 2019 tăng thu nhập cho người dân tại các xã đang triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương pháp canh tác tự nhiên với 4.200 người hưởng lợi ở 1.000 hộ gia đình thông qua áp dụng phương pháp canh tác này trên cây trồng và vật nuôi, gắn kết sản xuất với thị trường, đồng thời bảo vệ môi trường thông qua giảm thiểu và hướng tới chấm dứt sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.

Từ hiệu quả của các mô hình canh tác theo phương pháp tự nhiên ở huyện Triệu Phong và một số địa phương khác trong tỉnh; đặc điểm tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương cũng như người tiêu dùng đang có nhu cầu rất lớn về lương thực, thực phẩm sạch, có thể thấy rằng canh tác tự nhiên là hướng đi hiệu quả, bền vững.

Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, để thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng nền nông nghiệp phát triển hiện đại, bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 thì việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, trong đó có phát triển canh tác theo phương pháp tự nhiên là giải pháp quan trọng. Do vậy, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các địa phương xây dựng, nhân rộng phương pháp canh tác này cũng như triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ đầu tư xây dựng vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp sạch, sản phẩm nông nghiệp chủ lực và xây dựng thương hiệu nông sản, liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương.

Baoquangtri.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Liên kết Website
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Chính phủ Nước CHXHCNVN
https://quochoi.vn/
Báo Nhân dân
Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật
Cổng Thông tin điện tử Tỉnh ủy Quảng Trị
Báo Quảng Trị
Đài PT-TH tỉnh
Trang Thông tin điện tử UBND tỉnh
Trang tin điện tử Bộ Nông nghiệp&PTNT
Hội Nông dân Việt Nam
Báo điện tử Dân việt
Sở Nông nghiệp &PTNT
Sở khoa học công nghệ tỉnh Quảng Trị
Sở lao động TB&XH tỉnh Quảng Trị
Cổng thông tin điện tử pháp điển
Thăm dò ý kiến

Bạn nghĩ sao về sự thay đổi giao diện mới của trang web Hội Nông dân Quảng Trị so với phiên bản cũ?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập42
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm39
  • Hôm nay9,170
  • Tháng hiện tại117,182
  • Tổng lượt truy cập2,547,456
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây