Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn bộ thành viên Việt Nam sang Pháp (1946) - tư liệu lần đầu công bố. (KMS sưu tầm) |
Ngoài các nghi thức ngoại giao và các cuộc tiếp xúc chính trị với chính giới Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gặp danh họa Picasso.
Bữa tiệc chiêu đãi của Thủ tướng Bidault
Ngày 2/7/1946, Thủ tướng Bidault mở tiệc hoan nghênh Hồ Chủ tịch. Có đủ các vị Bộ trưởng, các vị cao cấp trong Quốc hội, các tướng lĩnh cao cấp đến dự tiệc. Trong bữa tiệc, Thủ tướng Bidault đã đọc lời phát biểu, đánh giá chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ làm cho tình thân thiện giữa hai nước Pháp và Việt Nam khăng khít lại.
“Chúng ta sẽ làm việc cùng nhau một cách thành thật, và chúng ta đều tin theo chủ nghĩa nhân đạo, mà nhân đạo đó là cái nền tảng mà những nhà triết học Đông phương và Tây phương xây đắp mối quan hệ giữa những người tự do, để tìm hiểu sự tiến bộ, đó là lý tưởng của tất cả các xã hội dân chủ.
Chắc rằng chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng chúng ta sẽ đối phó với những khó khăn một cách thật thà với một lòng kiên quyết để chinh phục nó”.
Thủ tướng Bidault kết thúc phát biểu bằng hy vọng: “Tôi chắc rằng: chúng ta sẽ vượt qua những cái gì không hợp với công lý và lợi ích chung”.
Đáp từ, Hồ Chủ tịch cám ơn sự chiêu đãi ân cần của nhân dân và Chính phủ Pháp. Đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới xứ Basque. “Dân ở đó tuy giữ trọn tiếng nói, văn chương và phong tục của họ, nhưng họ vẫn cho họ là dân Pháp. Các tỉnh Pháp khác nhau nhiều, nhiều đến nỗi làm cho thế giới lạ lùng, nhưng sự khác nhau đó không ngăn trở nước Pháp là một nước thống nhất. Mai sau Liên bang Pháp quốc tụ họp những dân tộc tự do và khác nhau, sẽ làm cho thế giới ngạc nhiên về sự đoàn kết và thống nhất của nó.
Chúng ta sẽ cùng nhau xây đắp Liên bang Pháp quốc trên cái nền tảng dân chủ thật thà...”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hy vọng rằng Paris sẽ giúp cho Việt Nam và nước Pháp đoàn kết trong phạm vi Liên bang Pháp quốc. Việt Nam và Pháp là hai dân tộc tự do, bình đẳng, đều có lý tưởng dân chủ, đều ham muốn tự do, hai bên đều muốn mật thiết liên lạc cùng với nhau bởi những mối cảm tình thân thiết.
“Tôi chắc rằng: Việt Nam độc lập sẽ giữ một vai trò trọng yếu trên bờ Thái Bình Dương, đó là một sự vẻ vang cho nước Pháp”, Hồ Chủ tịch nói.
Về những vấn đề khó khăn tại Hội nghị Pháp-Việt sẽ gặp phải, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, sự thành thật và lòng tin cậy của hai bên sẽ vượt qua mọi điều trở ngại.
“Chúng ta đã gạt bỏ đế quốc chủ nghĩa cường quyền và quốc gia chủ nghĩa chật hẹp, vì cả hai đều không hợp thời. Chúng ta đều có chung một lý tưởng triết học phương Đông và phương Tây, đều theo một đạo đức chung: “Chớ làm cho người những điều mình không muốn làm cho mình”. Tôi chắc rằng theo những điều kiện đó thì cuộc hội nghị sau này sẽ có kết quả hay”.
Dẫn lại lời dạy của danh nhân phương Đông: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (Chớ làm cho người những điều mình không muốn làm cho mình), một lần nữa Hồ Chủ tịch khẳng định:
“Tôi tin chắc rằng: nhờ sự cộng tác thực thà và thân thiện, hai nước chúng ta sẽ làm gương cho thế giới. Chúng ta sẽ làm cho thế giới thấy rằng: do lòng tin cậy hai bên mà những dân tộc bình đẳng và tự do luôn luôn giải quyết được những vấn đề rất khó...”.
Cuộc gặp gỡ danh họa Picasso
Như kỳ trước đã viết, lịch trình làm việc của Hồ Chủ tịch tại Pháp, cho thấy, ngoài các nghi thức ngoại giao và các cuộc tiếp xúc chính trị với chính giới Pháp, Bác còn có rất nhiều cuộc gặp gỡ với bà còn Việt kiều tại Pháp, tiếp xúc với báo giới và với nhiều nhà khoa học, trong đó có nhiều danh nhân thế giới như họa sĩ Picasso, nhà bác học Joliot Curie, nhà văn Ehrenbourg… Đại tá cận vệ Vũ Đình Huỳnh sau này đã kể lại cuộc gặp gỡ với Picasso như sau:
Lúc lên xe đi được một quãng sang địa giới quận 8 gần Khải Hoàn Môn, Bác mới nói:
- Hôm nay chúng mình đến thăm nhà danh hoạ Picasso.
Tôi ngạc nhiên:
- Bác cũng quen hoạ sĩ Picasso, ạ?
- Giả sử không quen biết từ trước thì đến thủ đô Pari này chúng ta cũng phải đến chào một con người sáng tạo hội hoạ khó hiểu mà nghệ thuật tranh của ông lại làm say lòng người.
Bác Hồ đến không báo trước, lúc người giúp việc Picasso đón Bác vào gần cửa, ông đã nhận được Bác, ông chạy vội tới:
- Chào anh Nguyễn - Hai người ôm chầm lấy nhau, Picasso lùi ra một bước, ngắm Bác:
- Anh già chóng quá. Đôi mắt anh vẫn trẻ và sáng hơn thời chúng ta gặp nhau ở Clắcfê.
Picasso đưa Bác đi xem xưởng hoạ của ông. Bác đi và ngắm từng tấm tranh, im lặng tuyệt đối. Tôi thấy sự xúc động hiện rõ trên gương mặt trầm tư của Người. Lúc trở vào phòng trà. Picasso hỏi Bác:
- Anh cho tôi một lời khuyên.
Bác đứng dậy, nói:
- Chúng tôi đến chiêm ngưỡng nghệ thuật của anh. Mọi lời bình về Picasso chỉ là nét viền quanh cái khung của bức tranh. Anh miễn cho tôi, một người am hiểu về hội hoạ quá ít...
Picasso cười thoải mái, giọng vui hẳn lên:
- Tôi còn nhớ bức tranh anh vẽ trên báo Le Paria, anh ký Nguyễn Ái Quốc bằng chữ Tàu và lời chú thích bức tranh: “Xe xích sắt một ngày kia sẽ thay những con lạc đà, nhưng chúng vẫn còn khá nhiều, bằng chứng ư?”.
Ngày ấy tôi nói với anh Henri Barbusse: “Chỉ mấy nét vẽ này ta đã thấy một tư tưởng lớn, một tâm hồn lớn tàng ẩn bên trong. Nếu như anh tiếp tục con đường hội hoạ thì cũng có thể là một danh hoạ. Như hôm nay anh Nguyễn đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả tập tranh Việt Nam đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh cho độc lập tự do của các dân tộc”.
Ông mời Bác uống nước, ông phác mấy nét chân dung Hồ Chủ tịch. Nhưng ông cất vào cặp giấy vẽ, đến lúc tiễn Bác ra cửa, ông mới trao tay Bác. Sau đó Bác giao cho tôi.
Tôi ngắm bức chân dung mà sững sờ: “Chỉ mấy nét hoạ đơn sơ đã biểu hiện gương mặt Bác Hồ mênh mông với hai con mắt là hai ngôi sao. Tôi gìn giữ suốt thời kỳ ở Thủ đô cho tới lúc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.
hoinongdan.org.vn