Thế là gần trọn năm thập kỷ, ngày Bác của chúng ta về với cõi vĩnh hằng, gặp Cụ các Mác, Cụ Lê-nin và các vị đàn anh khác.
Khi còn sống, “Người là Cha, là Bác, là Anh “, cả cuộc đời của Người “Chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Khi dù phải từ biệt thế giới này, Người chỉ tiếc rằng không được phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa...và để lại “muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng... với mong muốn xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...”
Trong mỗi chúng ta hôm nay, có nhiều người sinh ra và lớn lên khi Người không còn nữa. Nhưng qua lời kể của những người vinh dự được gặp Bác, qua từng trang sách, thước phim, những câu chuyện về Người là hành trang, là bài học làm người và đó cũng là niềm tin để chúng ta thêm tin chắc rằng “Học Bác lòng ta trong sáng hơn, cuộc đời sẽ đẹp hơn và Đảng ta sẽ trí tuệ văn minh hơn”. Trong số những bài học đó, có bài học tiết kiệm.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh tiết kiệm đã trở thành một chuẩn mực đạo đức, khẩu hiệu sống và làm việc.
Theo Bác, “tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Tiết kiệm không phải là bủn xĩn”;“Khi không nên tiêu xài, thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng”. Người còn dạy: “Ăn sang, mặc đẹp trong lúc đồng bào đang thiếu cơm, thiếu áo là xa xỉ”. Xa xỉ là có tội với Tổ quốc với đồng bào...Cho nên “tự mình phải tiết kiệm,“Tiết kiệm phải kiên quyết không xa xỉ”. Người dạy chúng ta như thế và chính Người là tấm gương mẫu mực.
Nhà ở của Bác chỉ là một ngôi nhà sàn bằng gỗ, lợp ngói. Trên gác có hai phòng, mỗi phòng hơn 10m 2 .Vậy mà, Bác vẫn đề nghị để đồng chí Phạm Văn Đồng sử dụng một phòng để khỏi lãng phí. Đôi dép cao su mà Bác thường dùng được làm từ lốp một chiếc xe của Pháp bị ta phục kích từ những ngày ở Việt Bắc. Mặc dù, đôi dép đã quá cũ, quai đã mòn phải đóng đinh đi, đóng đinh lại nhưng Bác vẫn sử dụng, kể cả khi tiếp khách quốc tế. Hay như chiếc ô tô hiệu Pa-bê-ta sản xuất tại Liên Xô cũng không còn mới nhưng Bác bảo “vẫn dùng được” thì chưa nên thay. Chúng ta đã từng nghe chuyện Bác dùng đôi tất rách đã vá đi, vá lại mấy lần; có quả chuối hơi nẫu, có ngươì muốn vứt, nhưng Bác đã lấy dao gọt phần nẫu đi sau đó bóc ăn ngon lành.
Trong cuộc sống sinh hoạt, Bác chi tiêu rất dè xẻn, cân nhắc: Liên hoan mừng thành lập Đảng cũng chi có bát cơm, món xào, tô canh, đĩa cá. Chiêu đãi đồng chí Lý Bội Quân, người đã mua chiếc máy chữ từ Hải Phòng về tặng Người năm 1939, Bác cũng chỉ khao: Một món canh và hai đĩa thức ăn, thêm hai lạng rượu, tổng cộng chưa hết một đồng bạc. Những ngày trong tù, khi nghe tin Hồng quân Liên Xô bắt sống 33 vạn quân HítLe ở Xtalingrat, Bác đã nhờ người lính gác mua dùm ít kẹo và dầu chả quẫy rồi ngồi một mình “chén tạc, chén thù”, rất đàng hoàng vui vẻ…Những câu chuyện cảm động về tính tiết kiệm của Người còn nhiều, nhiều nữa, làm sao kể hết. Bởi, Bác của chúng ta là người không và không bao giờ tự cho phép mình có mức sống xa lạ với những người xung quanh, mức hưởng thụ cao hơn chiến sĩ, đồng bào, dù Người có quyền được như vậy.
Tuy nhiên, chớ có hiểu lầm “Bác Hồ sống khắc khổ theo kiểu tu hành, thanh tao như kiểu nhà hiền triết”. Bác Hồ sống tiết kiệm, thanh bạch là cách để Bác hoà mình trong đời sống của quần chúng và cuộc đấu tranh gian khổ, ác liệt của dân tộc. Sự giản dị đó, đã tôn thêm sự vĩ đại của Người.
Khi còn sống là thế, đến khi phải từ biệt thế giới để về với cõi vĩnh hằng, “gặp Cụ các Mác, Cụ Lê-nin và các vị đàn anh khác”, Người không quên dặn lại: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức phúng điếu linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Chính những nghĩa cử và cuộc sống thanh bạch của Người nên không chỉ nhân dân ta một mực tôn kính Người, mà bạn bè trên thế giới cũng hết sức ngưỡng mộ.
Một Tổng Biên tập của một tờ báo nước ngoài, được Bác tiếp tại ngôi nhà sàn đã kể lại: Chúng tôi được dẫn vào sống dưới ngôi nhà sàn của Bác Hồ…Gọi là phòng khách của vị nguyên thủ quốc gia mà thật vô cùng giản dị, có lẽ không khác những gian nhà của người nông dân Việt Nam mà tôi có dịp tới. Trong gian phòng này, có lẽ chỉ có bộ bàn ghế mây được coi là nổi bật. Ngày 18/6/1946, trên tuần báo “Đây Pari”, một nhà báo Pháp đã viết: “Chủ tịch nước Việt Nam là một người giản dị quá đỗi. Quanh năm ông chỉ mặc một bộ quần áo kaki xoàng xĩnh và khi những người cộng tác quanh ông để ý nói với ông rằng với địa vị ông ngày nay, nhiều khi cần phải mặc cho được trang trọng, thì ông chỉ mĩm cười trả lời: “Chúng ta tưởng rằng chúng ta được quý trọng vì có áo mặc đẹp, trong khi bao nhiêu đồng bào mình trần đang rét run trong thành phố và các làng quê”. Còn Chủ tịch Allende’ (Chi lê), khi sang thăm Việt Nam, được tận mắt nhìn thấy ngôi nhà sàn và được nghe kể về nếp sống của Hồ Chủ tịch, viết: “Không bao giờ chúng ta thấy sự giản dị và sự vĩ đại đi liền với nhau như vậy”. Và cũng chính vì vậy, mà ông M.Khali (nước Cộng hoà Ả rập thống nhất), đã thốt lên: “Thiên thần thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc sống giản dị, khiêm tốn”…
Tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức, trong đó đức tính tiết kiệm của Hồ Chủ tịch là một mẫu mực tuyệt vời. Đảng, Nhà nước và toàn dân tộc Việt Nam tự hào về Người, nguyện học và làm theo tấm gương của Người.
Trước đây, khi đất nước đang còn chiến tranh, chúng ta đã chắt chiu từng đồng tiền, hạt gạo để tạo thêm nguồn lực phục vụ kháng chiến. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng CNXH lại càng phải tiết kiệm để gây dựng cơ đồ. Không những thế, tiết kiệm phải trở thành chuẩn mực đạo đức của con người mới trong thời kỳ mới.
Điều đáng buồn, là đây đó trong xã hội, có lúc có nơi, cơ quan này, công sở kia cũng còn tình trạng mua sắm thiết bị, phương tiện, cũng như sử dụng phương tiện đi lại, phục vụ công tác… vượt quá định mức cho phép. Việc chi tiếp khách, khánh tiết không đúng chế độ. Từ không tiết kiệm thì sẽ lãng phí và đó là con đường để gần đến với tham nhũng hối lộ. Tình trạng “ăn chặn”, “ăn chia” bòn rút của công, lối sống xa hoa, hưởng lạc... vẫn còn diễn ra.
Với xã hội là vậy, trong các gia đình, cũng không phải không có những “xa xỉ”; đó là “hội chứng” theo kiểu trả nợ miệng trong các tiệc tùng: nhà mới, cưới hỏi, ma chay…kể cả việc mua sắm các phương tiện đi lại, tiêu dùng không phù hợp với khả năng và hoàn cảnh thực tế…Thiết nghĩ rằng học tập và làm theo tấm gương tiết kiệm của Bác, chẳng phải là những gì cao xa mà nên bắt đầu từ những việc làm cụ thể. Cha ông ta có dạy “Nước chảy ào ào, không bằng hao lỗ mội”. Chính vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi tổ chức, cá nhân và ngay cả trong từng nếp nhà cũng nên có ý thức tiết kiệm.
Làm được điều đó, không chỉ chúng ta đang “cứu mình” mà còn là việc làm thiết thực để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Nguyễn Trí Ánh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị