Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh với Sở Khoa học và Công nghệ đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động Khoa học và Công nghệ, giai đoạn 2017 - 2020. Tham dự, về phía Hội Nông dân có đồng chí Lê Phúc Thiện, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ tỉnh Hội; Về phía Sở Khoa học và Công nghệ có đồng chí Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc, các đồng chí Trưởng, phó các phòng chuyên môn, văn phòng sở và các đơn vị trực thuộc Sở.
Lãnh đạo hai ngành ký kết chương trình hợp tác, giai đoạn 2017-2020
Giai đoạn 2011 – 2015, hai đơn vị đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, nổi bật như: Tổ chức hội thảo, hội nghị giao lưu giữa các nhà khoa học với nông dân điển hình tiên tiến; phối hợp xuất bản 7.900 bản tin nông dân thông tin chuyên đề phục vụ nông nghiệp, nông thôn với số lượng; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất mới các loại cây ăn quả, trồng rau sạch, trồng nấm các loại nấm ăn. Phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi và xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi gia súc và phân bón cho 600 hội viên Hội Nông dân xây dựng và duy trì các Câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông, các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Mục tiêu đặt ra trong Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2017 -2020 là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức mới về khoa học và công nghệ, về vị trí, vai trò của KH & CN trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là vùng miền núi.
Theo Chương trình ký kết, Hội Nông dân tỉnh sẽ chủ động đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Sở Khoa học và Công nghệ sẽ cử cán bộ, chuyên gia làm giảng viên các khóa đào tạo, huấn luyện và dạy nghề cho hội viên nông dân về trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng công nghệ sinh học; hỗ trợ kỹ thuật xây dựng các mô hình trình diễn về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất như: Quy trình trồng và chăm sóc tiêu, làm đệm lót sinh học, ủ phân sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường, về sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, trung bình mỗi năm từ 5-10 mô hình; cung ứng các loại chế phẩm sinh học (QTMIC, Balasa, Trichodesma, E.M), nấm giống (Nấm Sò, Mộc nhĩ, Nấm mỡ, Nấm linh chi), cây giống (Tiêu sạch bệnh, Ba kích, Cà gai leo, Chùm ngây), cây lâm nghiệp đầu dòng (Keo lai nuôi cấy mô)… phục vụ sản xuất./.
Quang Chiến