Là một thôn trung tâm thuộc xã Tà Long, Thôn A Đu được chọn để thực hiện Dự án: “Xây dựng và chuyển giao mô hình Bếp đun cải tiến cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Trị, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân”.
Thôn A Đu, xã Tà Long, huyện Đakrông dưới chân dãy núi Trường sơn
Toàn bản có 63 hộ là đồng bào Vân Kiều, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, sống dựa vào rừng, làm rẫy, làm ruộng, trồng sắn, trồng rừng và chăn nuôi gia súc gia cầm… Đời sống cuả bà con gặp rất nhiều khó khăn; toàn thôn có trên 60 % số hộ nghèo và hộ cận nghèo. Từ bao đời nay bà con vẫn quen việc đun nấu với bếp “ kiềng 3 chân”, củi đốt cả ngày kể cả mùa nắng lẫn mùa mưa. Tháng 7/2016 gia đình anh Hồ Quang Chiến và chị Hồ Thị Bắc, được chọn là hộ tham gia xây dựng mô hình, được Dự án hỗ trợ 01 chiếc “Bếp cải tiến” để đun nấu.
Gia đình chị Hồ Thị Bắc đang sử dụng Bếp đun cải tiến để nấu ăn hàng ngày
Gia đình Anh Chiến, chị Bắc thuộc hộ cận nghèo, có 02 mảnh đất rừng trồng sắn, 5 sào ruộng lúa nước, 5 ha rừng tràm, 3 con trâu… Việc làm nông ở vùng núi chỉ đủ ăn và nuôi 6 đứa con ăn học. Nhà đông người kéo theo việc chuẩn bị, nấu nướng bữa ăn hàng ngày cũng vất vả theo; hàng ngày đi làm rẫy về, chị không quên gùi thêm ít củi đem về. Từ khi nhận được chiếc Bếp đun cải tiến, được hướng dẫn cách sử dụng, chị biết chẻ nhỏ củi để đun, dùng Bếp đun cải tiến đã tiết kiệm được củi, giảm được khói bụi và thời gian đun nấu nhanh hơn, đặc biệt giảm được nguy cơ xảy ra hỏa hoạn trong mùa hè.
Bữa cơm trưa đạm bạc của gia đình chị Hồ Thị Bắc
Anh Hồ Văn Bắc, Chi hội trưởng chi Hội nông dân thôn A Đu nói: Bà con trong bản đã thấy được lợi ích của chiếc Bếp đun cải tiến, bà con mong muốn mỗi nhà được hỗ trợ một chiếc để sử dụng đun nấu hàng ngày. Chi hội sẽ vận động bà con thay đổi thói quen sử dụng củi tiết kiệm, hạn chế việc đốt phá rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng để bảo đảm cuộc sống, bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Nguyễn Đán