Chính sách chia ruộng đất cho người dân được thực hiện từ hơn 20 năm trước giúp nông dân ai cũng có ruộng đất để sản xuất. Tuy nhiên hiện nay, trước những đòi hỏi về sản xuất nông nghiệp phù hợp với thời kì mới, cần phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp mới phát triển bền vững. Tích tụ ruộng đất là một trong những giải pháp hiệu quả và trong điều kiện đất đai đã thuộc quyền sử dụng của người dân thì thuê lại ruộng đất là một hình thức tích tụ ruộng đất để tiến hành sản xuất hiệu quả nhất.
Thu hoạch lúa ở Hải Lăng |
Mô hình tổ hợp tác thuê đất sản xuất
Từ năm 2017, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng tiến hành dồn điền, đổi thửa để khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún. Tuy nhiên, do thực tế đất đai ở Hải Phú không nhiều nên mỗi nhân khẩu chỉ được chia 1 sào ruộng. Đất ruộng ít, trong khi xã Hải Phú có nhiều thôn ở sát thị xã Quảng Trị, các ngành nghề thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển nên người dân ít quan tâm đến việc làm ruộng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp hơn các xã khác của vùng trọng điểm lúa Hải Lăng. Trước tình hình này, từ vụ đông xuân năm 2017- 2018, một số hộ đã liên kết nhau thành lập tổ hợp tác (THT) thuê lại ruộng của người dân xã Hải Phú nằm gần đô thị để xây dựng thành vùng sản xuất lớn. Mỗi THT bầu 1 tổ trưởng điều hành và kí hợp đồng với Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển, Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam cung cấp giống lúa, phân bón, hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và bao tiêu sản phẩm lúa tại ruộng. Giá thuê ruộng được trả bằng thóc, mỗi sào từ 80- 100 kg/năm. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, đến nay toàn xã Hải Phú có 3 THT đã thuê lại 18 ha ruộng của khoảng 150 hộ, trong đó có 1 tổ thuê diện tích ruộng lớn là 12 ha.
Để khuyến khích các THT làm tốt công tác tích tụ ruộng đất bằng hình thức thuê đất của hộ nông dân tiến hành sản xuất liền vùng, xã Hải Phú đã hỗ trợ cho các THT mỗi héc ta 1 triệu đồng. Nhờ đó, đã khích lệ các THT đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, có THT đã tiến hành sản xuất được 3 vụ lúa thắng lợi. Theo anh Văn Ngọc Phước, Tổ trưởng THT sản xuất lúa ở HTX Long Hưng, Hải Phú, nhờ tổ chức sản xuất theo mô hình THT nên mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trước đây ruộng của từng hộ diện tích nhỏ, manh mún, bỏ hoang phí nhiều, các hộ sản xuất ít áp dụng các tiến bộ KHKT nên hiệu quả không cao. THT thuê lại, tiến hành dồn điền, cải tạo ruộng nên diện tích thực sản xuất tăng lên. Mặt khác, nhờ ứng dụng tiến bộ KHKT nên hiệu quả kinh tế tăng cao, mỗi héc ta ruộng thuê trồng lúa lãi 20 triệu đồng/vụ so với các hộ nông dân tự trồng. Ngoài hiệu quả kinh tế, việc tích tụ ruộng đất còn đưa lại lợi ích là phân công lại lao động nông thôn rất hợp lí. Bí thư Đảng ủy xã Hải Phú Trương Công Văn cho biết: “Việc tích tụ ruộng đất bằng hình thức thuê mang lại nhiều lợi ích cho cả đôi bên. Những hộ ruộng ít thì cho thuê để rảnh thời gian đi làm việc khác có thu nhập cao hơn nhưng vẫn đảm bảo được lương thực phục vụ đời sống. Còn các THT thuê đất, sản xuất diện tích lớn hơn tiết kiệm được chi phí sản xuất, công lao động, dễ ứng dụng KHKT, đưa cơ giới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Sắp tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích nhiều THT tích tụ ruộng đất theo hình thức này”.
Cánh đồng lớn sản xuất hiệu quả hơn
Chuyển nền nông nghiệp từ sản xuất manh mún, thiếu tập trung, hiệu quả thấp sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thực hiện tốt việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, mở ra hướng phát triển bền vững là mục tiêu được tỉnh Quảng Trị đặt ra và đang triển khai nhiều giải pháp thực hiện có hiệu quả.
Việc thực hiện cánh đồng lớn chủ yếu áp dụng đối với cây lúa (vì các loại cây chủ lực khác đã có diện tích lớn) nông dân có điều kiện để đưa cơ giới vào sản xuất, ứng dụng các tiến bộ KHKT trong các quy trình sản xuất nên thúc đẩy nhanh sự phát triển nền nông nghiệp ở cấp độ cao. Cùng với việc dồn điền, đổi thửa thì tích tụ ruộng đất cũng được các địa phương khuyến khích tiến hành nhằm thực hiện chuyên môn hóa trong lực lượng lao động và tập trung hóa tư liệu sản xuất, đồng thời cũng có thể thực hiện được chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất và dễ dàng thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nhờ tập trung đầu mối. Đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản thực hiện xong công tác dồn điền, đổi thửa. Ruộng đất từ chỗ manh mún được cải tạo thành diện tích lớn gấp nhiều lần và số thửa ít đi vừa khai thác triệt để diện tích, vừa thuận tiện trong các khâu sản xuất.
Sản xuất lúa trên cánh đồng lớn năng suất đưa lại cao hơn 5-10 tạ/ha so với trước đây. Bình quân năng suất lúa trên cánh đồng lớn từ 55- 60 tạ/ha/vụ, cá biệt có vùng ở Hải Lăng đạt trên 75 tạ/ha/vụ. Cùng với chất lượng gạo tốt hơn lại được tiêu thụ với số lượng lớn nên giá trị đưa lại cao hơn nhiều so với sản xuất manh mún. Theo đánh giá, mức thu nhập của nông dân thực hiện cánh đồng lớn tăng từ 10- 20% so với phương thức sản xuất truyền thống.
Diện tích cánh đồng lớn năm 2018 trên toàn tỉnh đạt 6.056,6 ha, tăng 3.270 ha so với năm 2017. Quy mô mỗi cánh đồng từ 20- 50 ha, tập trung ở 4 huyện trọng điểm lúa trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ Obi- Ong biển 300 ha tiếp tục khẳng định hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Để xây dựng được cánh đồng lớn, sau khi thực hiện xong dồn điền, đổi thửa là vấn đề tích tụ ruộng đất. Hỗ trợ thực hiện cánh đồng lớn, tỉnh cũng như các huyện đã ban hành một số chính sách giúp nông dân trồng lúa chất lượng cao như: Huyện Hải Lăng hỗ trợ kinh phí sản xuất đối với diện tích trong 1 vùng trên 10 ha của 1 tổ hợp tác hoặc hộ gia đình; huyện Gio Linh với sự hỗ trợ của Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới cũng đã triển khai mô hình cánh đồng lớn tại 9 HTX với tổng diện tích 260 ha, nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống lúa, 30% phân bón và được hỗ trợ về kĩ thuật chăm sóc lúa chất lượng cao…Nhiều huyện sau khi làm thí điểm đạt kết quả cao đã triển khai nhân rộng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Võ Văn Hưng cho biết: “Thực hiện dồn điền, đổi thửa để cá nhân hoặc tổ hợp tác dễ dàng cho thuê, chuyển nhượng, hoán đổi với diện tích liền vùng rộng lớn vài chục héc ta để tiến hành sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hóa, sử dụng giống lúa mới, canh tác hữu cơ, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa của tỉnh, từng bước xây dựng thành công thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị”.
Việc phát triển cánh đồng lớn bằng các giải pháp triển khai đồng bộ nhằm nâng cao cả về số lượng và chất lượng có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nông dân mở ra hướng phát triển bền vững cho nông nghiệp của tỉnh. Trước thực tế có sự dịch chuyển mạnh từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp ở vùng nông thôn thì việc tích tụ ruộng đất để sản xuất cánh đồng lớn là phù hợp với lực lượng lao động và sự phát triển của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp./.
baoquangtri.vn