Trong những năm qua rừng tự nhiên trong tỉnh bị giảm sút, hệ sinh thái rừng bị suy thoái do chiến tranh tàn phá nặng nề và do đồng bào dân tộc thiểu số khai thác rừng làm củi đun, phát nương làm rẫy trong nhiều năm. Trước thực trạng trên năm 2016, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã đề xuất với chương trình UNDP-GEF SGP thực hiện dự án :“Xây dựng và chuyển giao mô hình Bếp đun cải tiến cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Trị nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân”.
Đồng chí Lê Phúc Thiện, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (người thứ nhất từ phải sang) kiểm tra lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng bếp đun cải tiến tại Hướng Hóa
Sau 02 năm thực hiện đã mang lại hiệu quả thiết thực. Về mặt môi trường, bếp đun cải tiến đã tiết kiệm được lượng củi đun, khi đun củi cháy hoàn toàn sẽ giảm khói bụi thải ra môi trường, tiết kiệm được lượng củi thì người dân giảm số lần vào rừng đi lấy củi, giảm chặt phá rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất. Theo tính toán của nhóm chuyên gia sử dụng bếp cải tiến tiết kiệm 30% -50% số lượng củi đun, giảm thời gian đun nấu tới 35%. Trung bình mỗi hộ sử dụng bếp tiết kiệm được lượng củi là: 5 kg/01ngày, sẽ giảm được khí phát thải 302.775 tấn CO2/năm.
Về mặt kinh tế , sử dụng bếp cải tiến có thể tiết kiệm 5 kg củi/ngày, có giá trị khoảng 3000 đồng tuỳ theo từng địa phương. Vậy mỗi hộ có thể tiết kiệm 100 ngàn đồng/ tháng và khoảng 1 triệu VNĐ/năm. Bên cạnh đó, người dân chuyển đổi sinh kế, định canh, định cư, trồng rừng, sản xuất bền vững, tạo việc làm và ổn định cuộc sống.
Về mặt xã hội, dự án bếp đun đã lồng ghép với các chương trình dự án khác của Hội và của địa phương, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, thông qua các hoạt động tuyên truyền bà con thấy được lợi ích của việc bảo vệ rừng, khai thác rừng bền vững, để bảo vệ chính mình, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý rừng, hỗ trợ vốn vay cho bà con phát triển sản xuất, mua bếp. Thông qua sinh hoạt tại các câu lạc bộ, các buổi tập huấn, các hội thi… chị em có điều kiện giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, gần gũi nhau hơn trong cuộc sống, mặt khác nam giới trong gia đình tham gia vào việc nấu nướng tạo điều kiện cho phụ nữ có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
Về mặt chính sách, từ hiệu quả của dự án đã tác động đến quy hoạch kinh tế, xã hội của địa phương, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất phải gắn với bảo vệ môi trường, hỗ trợ về mặt tài chính, kinh phí xây dựng các mô hình điểm để người dân học tập và làm theo./.
Nguyễn Đán