Huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa là 02 huyện miền núi phía Tây thuộc tỉnh Quảng Trị, nơi sinh sống của trên 14.700 hộ bà con dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô, bà con chủ yếu sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng, nhưng vẫn còn tình trạng phát nương làm rẫy, phát, đốt, cuốc, trĩa,… …. Do tập quán sản xuất còn lạc hậu nên làm suy thoái môi trường rừng, gây nên biến đổi khí hậu. Hậu quả của việc mất rừng đã được minh chứng qua các trận lũ lụt về mùa mưa, hạn hán về mùa hè người dân không đủ nước sản xuất, sinh hoạt ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân.
Kiểu dáng bếp đun cải tiến được dự án cung cấp cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng
Trước thực trạng trên, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã đề xuất với chương trình UNDP - GEF SGP thực hiện dự án : “Xây dựng và chuyển giao mô hình Bếp đun cải tiến cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Trị nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người dân.” Nhằm giúp cho bà con đồng bào dân tộc, tiết kiệm được củi đun, giảm được thời gian đun nấu, cải thiện điều kiện sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng đầu nguồn và môi trường trong khu vực và toàn cầu.
Các thành viên trong dự án đến thăm hộ gia đình chị Hồ Thị Lại, Chi Hội Trưởng Chi hội Nông dân thôn Phú An, xã Hướng Hiệp.
Bếp đun cải tiến được đúc bằng gang, một lúc có thể đun nấu 02 nồi, tiết kiệm năng lượng có khả năng đối lưu không khí, sử dụng chất đốt củi nhỏ, hiệu suất nhiệt cao, nhiệt lượng thu được tập trung, giảm thiểu tản ra bên ngoài môi trường như bếp truyền thống “kiềng ba chân” mà phần đông hộ dân nông thôn đang sử dụng; bếp tiết kiệm năng lượng di chuyển dễ, ít phát thải khí CO, SO2,…năng lượng được chuyển hoá thành nhiệt đến gần 80 - 90% để lại ít bụi than, khí thải. Việc sử dụng bếp tiết kiệm năng lượng là một giải pháp tối ưu, đơn giản ít chi phí thay thế kiểu đun nấu truyền thống của các hộ gia đình nông thôn, miền núi.
Chị Hồ Thị Lại, Chi Hội Trưởng Chi hội Nông dân thôn Phú An, xã Hướng Hiệp vui vẽ nói; “ Bếp đun cải tiến đã trở thành người bạn thân thiết của bà con rồi, ngày nào bà con cũng đun nấu, cũng nhìn thấy bếp vui lắm… và mong sao cho bà con trong thôn bản nhà nào cũng có bếp để sử dụng, để khỏi vất vả vào rừng kiếm củi, đun nấu nhanh hơn và an toàn…”
Nguyễn Đán