Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp hội nông dân trong tỉnh tổ chức thực hiện. Nhờ vậy, nhiều cán bộ, hội viên nông dân đã chủ động vượt khó, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, nhiều nông dân vươn lên làm giàu chính đáng và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Phát triển kinh tế đa ngành
Năm 2009, anh Nguyễn Trương Hải ở thôn Hòa Bình, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh xây dựng cơ sở sản xuất vôi bột. Nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng cao nên năm 2019, anh quyết định mở rộng quy mô sản xuất và thành lập Công ty TNHH Thanh Hải Tiến chuyên sản xuất vôi nông nghiệp.
Nhà nhà máy sản xuất của công ty có diện tích 3.000 m2, gồm 2 lò nung, kho chứa thành phẩm và bãi chứa vật liệu. Anh Hải cho biết, để nâng cao chất lượng sản phẩm, anh đã sử dụng lò nung đứng với công nghệ mới, giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và tự động hóa cao hơn. Năm 2022 công ty sản xuất 5.000 tấn vôi bột thành phẩm. Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng và 25 lao động thời vụ với thu nhập 5 triệu đồng/người/ tháng. Thông qua các đại lý và hợp tác xã, công ty hỗ trợ cho nông dân trên địa bàn mua vôi sản xuất nông nghiệp theo phương thức trả chậm.
Cùng với sản xuất vôi nông nghiệp, anh Hải còn nhận thi công xây dựng các công trình dân dụng, tạo việc làm cho hàng chục lao động trên địa bàn huyện. Ngoài ra, anh Hải còn đầu tư trồng 3 ha cao su và 1 ha tiêu áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ sinh học...Với 3 ha cao su mỗi năm cho thu hoạch 13 tấn mủ tươi, 1 ha hồ tiêu mỗi năm cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn tiêu khô. Tổng doanh thu của công ty mỗi năm khoảng 4 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi ròng gần 2 tỉ đồng. Hằng năm, anh đăng ký tham gia phong trào “Nông dân thi đua SX- KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do hội nông dân xã phát động. Năm 2021-2022, anh được xếp loại hộ sản xuất giỏi cấp trung ương.
Ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất
“Năm 2010, tôi thành lập Công ty TNHH MTV Mạnh Triều, chuyên sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng. Những năm đầu, tôi thu mua gỗ rừng trồng của các hộ dân ở thôn Ái Tử, sau đó chế biến gỗ, ván ghép thanh rồi bán cho các doanh nghiệp lớn. Nhờ đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, cơ sở phát triển khá tốt, doanh thu năm sau cao hơn năm trước”, ông Đặng Thơ, Giám đốc Công ty TNHHMTV Mạnh Triều (Tiểu khu 4, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong) mở đầu câu chuyện.
Khi công ty đã hoạt động ổn định, tạo được vị thế trên thị trường, ông Thơ nghĩ đến việc đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Vì thế, vào năm 2017 ông mua lại một số diện tích rừng trồng của người dân tại thôn Ái Tử, xã Triệu Ái để chăm sóc, nay công ty ông có 150 ha đất rừng. Cùng với đó, ông tiếp tục mở rộng cơ sở, mua sắm thêm nhiều máy móc, đầu tư dây chuyền sản xuất khép kín.
Từ năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp lao đao, gặp khó khăn trong SX- KD do ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, công ty của ông Thơ vẫn hoạt động ổn định. Tổng doanh thu của công ty khoảng 10 tỉ đồng/năm. Lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí gần 2 tỉ đồng/ năm. Từ việc đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng, gia đình ông tạo việc làm cho hơn 50 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5- 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân trồng rừng gỗ lớn (FSC), ông Thơ đã hỗ trợ cho nhiều gia đình có rừng trồng ứng vốn để duy trì sản xuất. Chưa dừng lại ở đó, ông còn cho người dân trên địa bàn mượn vốn không tính lãi để họ theo học các lớp dạy nghề như lái xe, lái máy xúc... Những người này sau khi ra trường được ông nhận vào làm việc tại công ty. Ngoài ra, hằng năm gia đình ông còn tích cực thực hiện việc vận động, đóng góp quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ khuyến học của thị trấn để giúp học sinh nghèo học giỏi có điều kiện vươn lên trong học tập.
Chi hội trưởng nông dân làm kinh tế giỏi
Anh Bùi Xuân Tùng hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tân Hải, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, là chủ cơ sở thu mua, chế biến hải sản cho biết: “Năm 1994, gia đình tôi xây dựng cơ sở chế biến nước mắm O Xây. Nhận thấy chế biến nước mắm là một nghề có tiềm năng để phát triển do địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào nên năm 2010, tôi quyết định đầu tư mở rộng nhà xưởng, thay đổi phương thức sản xuất, tìm kiếm thị trường. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề chế biến nước mắm, cộng thêm sự tìm tòi học hỏi không ngừng nên sản phẩm của gia đình tôi ngày càng được khách hàng ưa chuộng”.
Từ một cơ sở chế biến nước mắm thủ công trên diện tích khoảng 100 m2 thuở ban đầu, đến nay cơ sở của gia đình anh Tùng đã phát triển rộng gần 1.000 m2 với máy lọc hiện đại. Từ thu mua 5-7 tấn cá/ năm, đến nay cơ sở của gia đình anh thu mua hơn 200 tấn cá/năm để chế biến ra 2 triệu lít nước mắm thành phẩm các loại. Đó là cả một quá trình cố gắng và nỗ lực để bám trụ, lập nghiệp nơi miền cát trắng khắc nghiệt. Hiện nay, cơ sở chế biến nước mắm của gia đình anh có tổng doanh thu trên 3,5 tỉ đồng, lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí khoảng 900 triệu đồng.
Là một chi hội trưởng chi hội nông dân, ngoài việc đầu tư phát triển kinh tế gia đình, anh Tùng còn thường xuyên vận động hội viên và người dân trong thôn nỗ lực vượt khó, vươn lên làm giàu. Anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ những ai thực sự có nhu cầu. Không những thế, anh còn tích cực hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, giúp họ có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Nhờ vậy, phong trào “Nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại thôn Tân Hải phát triển mạnh mẽ. “Tôi luôn chủ động học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với những người đi trước về kỹ thuật chế biến hải sản, đặc biệt là chế biến nước mắm. Thời gian tới, tôi sẽ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó đưa thương hiệu nước mắm O Xây ngày càng vươn xa”, anh Tùng bộc bạch./.
Trần Tuyền