Xác định kinh tế vùng gò đồi đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của huyện Triệu Phong nói chung và xã Triệu Ái nói riêng. Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Triệu Ái đã có chủ trương khuyến khích người dân phát triển sản xuất vùng gò đồi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao.
Việc ứng dụng công nghệ cao đã giúp anh Trịnh Đình Huyên tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả chăn nuôi
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 12/12/2021 của Huyện ủy Triệu Phong; Chương trình hành động số 04-CTHĐ/ĐU ngày 26/12/2021 của Đảng ủy xã Triệu Ái về việc “Phát triển kinh tế xã hội vùng gò đồi, giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030”, trong đó tập trung vào một số mô hình chất lượng cao, quy mô lớn. Hội Nông dân xã Triệu Ái đã tập trung vận động hội viên, nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng một số mô hình trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn bước đầu đã mang lại hiệu quả phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
Với mong muốn làm giàu trên quê hương mình, anh Trịnh Đình Huyên- Chi hội Nông dân thôn Hà Xá, xã Triệu Ái đã mạnh dạn chăn nuôi gia cầm để phát triển kinh tế gia đình. Trong thời gian trước đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh trên gia cầm, cũng như chăn nuôi theo phương thức truyền thống hiệu quả không cao. Được sự quan tâm, vận động của Hội Nông dân xã đầu năm 2022 anh đã tham quan, học hỏi các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao ở các tỉnh phía Nam. Sau đợt tham quan này, anh Huyên đã mạnh dạn quyết định chăn nuôi gà theo hướng công nghệ cao.
Tháng 01/2022, từ nguồn vốn sẵn có và vốn vay ưu đãi từ ngân hàng CSXH huyện thông qua Hội Nông dân xã, anh đã xây dựng chuồng trại khép kín rộng hơn 2.000 m2 với tổng kinh phí hơn 1.0 tỷ đồng và tổ chức nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Anh cho biết, chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học rất phù hợp với điều kiện của gia đình, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh hiện nay. Cùng với việc lựa chọn kỹ con giống, thì quy trình kỹ thuật chăm sóc được anh đặc biệt quan tâm. Trong chuồng trại có hệ thống phun sương hóa chất để ngăn ngừa dịch bệnh thâm nhập; nền chuồng cao ráo với mức nhiệt độ giữ ổn định 27-30 độ C nhờ hệ thống quạt phun sương. Bên cạnh đó, chuồng có máng uống nước tự động nên dễ kiểm soát, điều chỉnh lượng nước uống cho phù hợp với đàn gà. Anh Huyên phấn khởi chia sẻ: “Tôi ứng dụng công nghệ 4.0 trong chăn nuôi nên rất tiện lợi. Giảm bớt nhân công làm việc, từ đó cũng giảm chi phí đầu tư”. Đến nay, anh đã thu hoạch được 3 lứa với quy mô 10.000 con/lứa. Nhờ đó thu nhập mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí đầu tư.
Hiện tại trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao của anh Trịnh Đình Huyên đã tạo việc làm cho khoảng 5 lao động, đây đều là những người có tuổi đời còn khá trẻ nên đã tiếp cận các kỹ thuật nhanh chóng. Nhờ đó, những lúc vắng mặt, anh Huyên không thể trực tiếp điều hành công việc nhưng vẫn an tâm.
Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, Hội Nông dân xã tăng cường vận động hội viên, nông dân mở rộng mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhằm nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho hội viên nông dân. Vùng đất gò đồi cằn cỗi trước đây, nông dân chủ yếu ươm giống cây keo lai giâm hom, nay đã xuất hiện những mô hình kinh tế mới mang lại sự đổi thay, tươi mới, hiệu quả kinh tế cao./.
Đỗ Minh Tý – Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Ái