Bằng sự cần cù, chịu khó, gia đình lão nông Trần Chí Linh (SN 1966), xã Vĩnh Thuỷ, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã khai hoang phục hoá rồi chăn nuôi đa con, trồng đa cây, mỗi năm lãi 300 triệu đồng, ứng nghiệm với câu “có công mài sắt có ngày nên kim”.
Triết lý đa cây đa con
Những ngày giữa tháng 5, chúng tôi cùng cán bộ Hội Nông dân xã Vĩnh Thuỷ, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đến thăm gia đình ông Trần Chí Linh và vợ là Lê Thị Tâm (SN 1970) ở thôn Tân Thuỷ.
Đón chúng tôi với vẻ ngoài e dè, ông Linh vừa gãi đầu vừa nói: "Nông dân còn vất vả lắm, chưa có gì nhiều đâu". Nói là vậy nhưng ông Linh vẫn nhiệt tình giới thiệu, chia sẻ cho chúng tôi về quá trình hình thành cơ nghiệp mà nhiều người mơ ước.
Ông Linh kể, quê ông ở xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh. Sau khi xuất ngũ, năm 1996 ông đưa vợ con rời đồng bằng lên vùng gò đồi thôn Tân Thuỷ theo diện dự án di dân làm kinh tế mới. Cái tên Tân Thuỷ (nghĩa là thôn mới của xã Vĩnh Thuỷ) đã thể hiện rõ điều này.
Lúc rời quê, gia sản lớn nhất vợ chồng ông Linh mang theo là 24 tấm tôn bờ rô để dựng cái lán nhỏ khoảng 24m2 và vài cái xoong, chén bát. Tân Thuỷ thời điểm đó bạt ngàn lau lách, hoang vu, không điện, không đường và rất nhiều thứ không khác. Với nhiều người, nơi này thật sự khó mà tồn tại, mơ gì đến việc làm giàu.
Thế nhưng, vợ chồng ông Linh lại nghĩ khác, "có công mài sắt, có ngày nên kim", phải cố gắng lao động mới nhìn thấy tương lai tươi sáng. Với đôi bàn tay cùng ý chí không ngại khó, ngại khổ, vợ chồng ông Linh ngày ngày dùng rựa phát quang lau lách, dùng cuốc, xẻng để vỡ đất trồng cây… Mồ hôi, nước mắt và cả máu của vợ chồng ông Linh đã đổ xuống nơi này.
"Khai hoang đến đâu gia đình tôi trồng tràm keo, cao su đến đó. Cứ làm theo kiểu cuốn chiếu, lấy ngắn nuôi dài. Bán keo tràm, khai thác cao su, có tiền, có cái ăn lại tiếp tục khai hoang, trồng trọt, chăn nuôi. Nhà tôi làm nông đa cây đa con để giảm thiểu rủi ro, nếu cây, con này mất mùa, mất giá thì có loại khác bù vào, đảm bảo không mất trắng" – ông Linh tâm sự.
Đặc biệt vào năm 2016, tình cờ xem chương trình nông nghiệp giới thiệu mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ và nhiều loại cây ăn quả khác như cam, bưởi… cho thu nhập cao nên ông Linh quyết định đầu tư.
Đến nay, gia đình ông Linh có 4ha cao su (khoảng 1.600 cây), 2ha tràm keo, 600 gốc cam V2, 1.000 gốc thanh long ruột đỏ, 300 gốc bưởi da xanh, hàng trăm gốc ổi. Không chỉ trồng trọt, ông Linh còn nuôi thường xuyên khoảng 20 con bò, mỗi năm xuất bán hơn 40 con lợn thịt, cùng gà, vịt…
Ngồi nhẩm tính, ông Linh cho biết, 4ha cao su thu nhập 150 triệu đồng/năm. 2ha keo tràm lãi 20 triệu đồng/năm; các loại cam, bưởi da xanh, ổi cho lãi khoảng 40 triệu đồng/năm; mỗi năm xuất bán 10 con bò và 40 con lợn thịt lãi thêm 60 triệu đồng. Đặc biệt, thanh long ruột đỏ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Tân Thuỷ, cây phát triển tốt, quả to, đều, ngọt, được thị trường ưa chuộng, mỗi năm giúp ông Linh cho lãi ít nhất 60 triệu đồng.
Làm nông nghiệp an toàn sinh học
Ông Linh chia sẻ, để thanh long phát triển tốt cần chú trọng nguồn nước, sử dụng các loại phân chuồng được ủ kỹ, bón đúng thời điểm để cây cho nhiều quả và to.
Không chỉ chú trọng sản lượng, gia đình ông Linh đã tiếp cận khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng an toàn sinh học, tuần hoàn. Phân bò, lợn, gà, vịt được ông Linh ủ với lá, rơm rạ, men sinh học đem bón cho cây ăn quả và các loại rau để quay lại cho bò, lợn ăn.
Ông Linh sử dụng tỏi, ớt… ủ vi sinh tạo chế phẩm sinh học để phun cho cây ăn quả nhằm phòng trừ sâu bệnh.
"Khách hàng ngày nay không chỉ chú trọng ăn no, ăn ngon mà phải ăn sạch, đảm bảo sức khoẻ. Vì vậy, nông dân trồng trọt, chăn nuôi phải áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng sinh học vào sản xuất để tạo nông sản sạch. Nếu không tuân theo quy luật thị trường sẽ như đoàn tàu trật đường ray, không tiếp cận được khách hàng, phải dừng lại và thất bại" – ông Linh chia sẻ.
Theo ông Linh, bằng ý chí, bàn tay khối óc và sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, người dân đã "lột xác" vùng gò đồi Tân Thuỷ hoang vu lau lách thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển cây ăn quả. Thế nhưng, đường đến Tân Thuỷ còn gập ghềnh khó khăn, ảnh hưởng đến giao thương. Người dân mong rằng, chính quyền các cấp quan tâm, sớm hoàn thiện cứng hoá đường đến Tân Thuỷ để tạo cú hích, giúp nơi đây có cơ hội trở thành "thủ phủ" cây ăn quả của tỉnh Quảng Trị.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) Lê Thị Minh cho biết, ở địa phương có nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGap với diện tích 106 ha, trong đó 62ha cho khai thác như bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, ổi lê Đài Loan, chanh leo tím đã khẳng định thương hiệu và rất được thị trường ưa chuộng.
Ngọc Vũ