Chủ lò vôi Nguyễn Trương Hải, thôn Hoà Bình, xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã trở thành thương hiệu lớn ở "đất lửa" Quảng Trị và nhiều tỉnh miền Trung. Danh tiếng ấy khiến chúng tôi khá lo lắng, bồn chồn bởi không biết khi đối diện, tỷ phú nông dân tên tuổi lẫy lừng sẽ như thế nào.
Khi xe chúng tôi vừa dừng ở xưởng sản xuất vôi, anh Hải – người đàn ông cao, to, nụ cười rạng rỡ đã bắt tay đón mời. Quả đúng là nông dân, dù có là tỷ phú vẫn chất phác, gần gùi.
Vừa dẫn chúng tôi tham quan từng công đoạn làm vôi, ông chủ sinh năm 1972 vừa kể về cuộc đời mình. Chiến tranh loạn lạc, cha mẹ anh được sơ tán rồi sinh anh ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Lên 1 tuổi, anh Hải được cha mẹ đưa trở lại quê hương.
Lớn lên trên quê hương Vĩnh Hoà với tuổi thơ dữ dội. Là những lần nhìn thấy đạn, bom phát nổ, là mò cua bắt ốc giữa đồng nắng chang chang…
Vì gia cảnh quá khó khăn, sau khi học xong cấp 3, anh Hải rời quê hương vào tỉnh Gia Lai lái xe thuê. Năng nhặt chặt bị, anh Hải có tiền mua chiếc xe tải đi chở hàng thuê. "Bươn chải với nghề lái xe được 4 năm, cộng trừ chi phí, tôi lãi được cô vợ là Phạm Thị Hoài" – anh Hải cười cho biết.
Cưới vợ xong, năm 1996, anh Hải dắt vợ về quê mở đại lý phân bón và lập tổ đội nhận thầu xây dựng. Tiếp tục "cày cuốc", chắt bóp, anh Hải mua được xe công nông để chở hàng thuê. Thế nhưng, dường như cái số làm giàu chưa tới nên dù đã nhiều cố gắng, vợ chồng anh Hải vẫn trong tình trạng "tiền vào cửa trước, ra cửa sau".
Năm 2005, anh Hải chuyển hướng đi buôn gỗ bạch đàn. Lúc ấy, loại gỗ này đang sốt trên thị trường. Thế nhưng, cũng như "sốt đất", bạch đàn chỉ cao giá, bán chạy được 2 năm rồi "đóng băng", buộc anh Hải phải bỏ nghề.
Sau thời gian dài suy đi tính lại, anh Hải nhận ra một điều, nông nghiệp là ngành chiếm tỷ trọng cao. Làng, xã, người thân và chính anh cũng dính liền với nông nghiệp, nông dân. Trong sản xuất nông nghiệp, vôi có vai trò quan trọng, thị trường rộng mở nhưng ở Quảng Trị chưa có nhà máy, công xưởng sản xuất. Chớp lấy cơ hội, anh Hải quyết định tập trung nguồn lực mở lò vôi.
Trước tiên, anh Hải dành 2 tháng lặn lội ra các tỉnh Thanh Hoá, Hà Nam học nghề. Năm 2009, được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê 1ha đất, anh Hải dốc toàn bộ vốn liếng dành dụm, vay thêm ngân hàng, đầu tư xây dựng một lò vôi 400 triệu đồng.
Dù đã đi học nghề nhưng khi sản xuất thực tế, anh Hải vẫn không ít lần thất bại. Có thời điểm, anh Hải làm hỏng đến 30 tấn vôi vì sai sót trong quá trình gia nhiệt. Những lần ấy, túi tiền anh Hải cũng "cháy" theo.
Thời điểm ấy, lò vôi của anh Hải chỉ thủ công, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Tháng nào thuận lợi sản xuất khoảng 40 tấn. Trời mưa, công nhân bó gối nhìn nhau. Đặc biệt ái ngại là vấn đề môi trường, khói bụi…, cần nhiều công nhân, công việc nặng nhọc.
Năm 2013, anh Hải bắt đầu thay đổi công nghệ, xây mới 2 lò vôi với số vốn 3 tỷ đồng. Với hệ thống máy móc hiện đại như máy nghiền vôi, đóng bao, máy khâu, băng chuyền, máy cấp liệu, xúc lật… đã giải phóng sức lao động của công nhân, năng suất, chất lượng vôi tăng lên và đảm bảo môi trường.
Hiện nay, mỗi ngày anh Hải sản xuất trên 10 tấn sản phẩm vôi phục vụ nông nghiệp (vôi đã tôi thành bột) và vôi cho thuỷ sản (vôi chưa tôi).
Riêng năm 2022, anh Hải đưa ra thị trường các tỉnh miền Trung, nước bạn Lào 4.000 tấn vôi, doanh thu 4 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, anh Hải có lãi khoảng 700 triệu đồng. 6 tháng đầu năm 2023, anh Hải đưa ra thị trường hơn 2.000 tấn vôi, đạt kế hoạch đề ra.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Hải còn tạo việc làm cho 10 công nhân, mức lương 7 triệu đồng/tháng ở lò vôi. Mức lương này có thể tăng lên khi công nhân tăng ca.
Ngoài sản xuất vôi, anh Hải còn trồng thêm 3ha cao su, cho thu nhập khá ổn định, tạo việc làm cho 2 lao động địa phương.
Có vốn tích luỹ cùng kinh nghiệm những năm làm tổ đội xây dựng, năm 2019, anh Hải thành lập công ty TNHH MTV Xây dựng Thanh Hải Tiến, tạo việc làm cho khoảng 40 lao động.
Tổng thu nhập từ nghề làm vôi, trồng cao su và xây dựng của anh Hải lên tới trên 1 tỷ đồng.
Tâm sự với chúng tôi, tỷ phú nông dân Nguyễn Trương Hải vui mừng cho biết, đã có những học trò thành công với nghề làm vôi. Như năm 2020, có một người ở tỉnh Nghệ An tìm đến anh Hải xin học nghề sản xuất vôi. Anh Hải đã vui vẻ giúp đỡ. Sau khi dạy trực tiếp tại công xưởng, anh Hải kết nối zalo, mạng xã hội để dạy online cho học trò. Nay, người học trò ấy đã thành công và rất cảm kích anh Hải.
"Ngày xưa mình đi học được các thầy chỉ bày miễn phí, đến nay đã cơ bản thành công. Nhờ vậy, mình có điều kiện nuôi ba người con ăn học đàng hoàng, có công việc ổn định. Nay mình cũng làm như vậy với học trò và mong họ thành công hơn. Gọi là học trò cho vui tai chứ tâm mình xem họ là bạn, là đồng nghiệp, là những người nông dân và đồng hành cũng nông dân" – anh Hải chia sẻ.
Không chỉ chia sẻ kiến thức, anh Hải còn sẻ chia tình yêu thương với nhiều người lúc lâm nguy, hoàn cảnh khó khăn.
Ông Trần Đức Tài – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hoà vẫn còn nhớ những chuyến xe anh Hải đồng hành cùng hội mang lương thực, nước uống đi cứu trợ người dân bị lũ lụt, hay nằm trong vùng phong toả vì dịch Covid-19.
Ông Tài cho biết, anh Hải là người năng động, sáng tạo, chịu khó học hỏi, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi có điều kiện. Vì những thành tích nổi bật ấy, anh Hải nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, giải thưởng danh giá của các cấp Hội Nông dân, huyện Vĩnh Linh và tỉnh Quảng Trị.
Ngọc Vũ