Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Để công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) dịp trước, trong và sau Tết được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, các ngành chức năng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Đông Hà được kiểm tra nghiêm ngặt, thực hiện đúng quy trình theo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm - Ảnh: T.L |
Gần 1 tháng qua, cơ sở sản xuất mứt gừng của chị Thái Thị Thúy Loan ở thôn Quy Thiện, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng đã bắt đầu vào vụ sản xuất mứt tết. Bình quân mỗi ngày, cơ sở đưa ra thị trường khoảng 50kg mứt gừng thành phẩm, cung cấp chủ yếu cho các cửa hàng bán lẻ tại địa bàn TP. Đông Hà, thị xã Quảng Trị và một số địa phương khác. Nhờ quy trình sản xuất đảm bảo VSATTP, chất lượng mứt thơm ngon nên ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến và tin dùng sản phẩm của cơ sở chị Loan.
“Làm mứt là nghề truyền thống của gia đình tôi từ nhiều đời nay, với mục tiêu đưa đến người tiêu dùng sản phẩm mứt ngon nhất và an toàn nhất nên quá trình sản xuất tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đảm bảo VSATTP. Chỉ sử dụng các nguyên liệu gồm chanh, đường, nước sạch và gừng tươi, ngoài ra không dùng thêm bất cứ loại hóa chất hay phụ gia thực phẩm nào khác. Cùng với chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng hiện nay cũng rất quan tâm đến VSATTP nên càng mở rộng quy mô sản xuất, vấn đề này càng được chúng tôi đặt lên hàng đầu, đây được xem như chìa khóa để đưa sản phẩm đi tiêu thụ trên thị trường”, chị Loan nói.
Tại Siêu thị Co.opmart Đông Hà, công tác đảm bảo VSATTP cũng được đơn vị đặc biệt quan tâm. Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đông Hà Đặng Tứ Minh San thông tin: “Dự kiến lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ khách hàng trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu của chúng tôi có giá trị trên 55 tỉ đồng, trong đó hàng hóa thực phẩm chiếm hơn 50%. Để bảo đảm VSATTP cho người tiêu dùng, tất cả hàng hóa khi vào hệ thống Co.opmart đều trải qua kiểm soát hồ sơ pháp lý, bao gồm giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, giấy phép kinh doanh, hồ sơ chất lượng hàng hóa, hồ sơ truy xuất nguồn gốc... Đối với sản phẩm thực phẩm tươi sống, sản phẩm đông lạnh, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành. Tất cả sản phẩm lưu trữ chờ chế biến/kinh doanh phải được bao gói và có tem nhãn nhận diện, đảm bảo không lưu trữ, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, kém chất lượng, hư hỏng, không có thông tin tem nhãn. Đối với sản phẩm chế biến, nấu chín, siêu thị thực hiện nghiêm việc ghi nhận hồ sơ 3 bước và lưu mẫu thực phẩm…”.
Để đảm bảo ATTP trong dịp tết Nguyên đán Tân Sửu, Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể về triển khai công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Kế hoạch sẽ được triển khai từ ngày 1/1/2021 đến hết 20/3/2021 trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng, phòng chống ngộ độc thực phẩm, hướng tới mục tiêu hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm. Đồng thời thường xuyên thanh tra, kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến huyện, xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm... Huy động tối đa các kênh truyền thông để phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.
Trong đó, hoạt động truyền thông được quan tâm thực hiện hàng đầu, đối tượng hướng tới gồm người nội trợ, người trực tiếp chọn mua, chế biến thực phẩm cho gia đình; người tiêu dùng thực phẩm; người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và chính quyền các cấp, các nhà quản lý. Huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất ATTP trong dịp trước, trong và sau tết. Kịp thời công khai các trường hợp vi phạm quy định ATTP, phổ biến các cơ sở, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cho cộng đồng. Cùng với đó, hoạt động thanh tra, kiểm tra được tăng cường thực hiện. Ở cấp tỉnh sẽ thành lập 2 đoàn liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 9 huyện, thị xã, thành phố và thực hiện kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của công tác quản lý. Tại cấp huyện, xã sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra chủ động trước, trong và sau tết và lễ hội tùy theo đặc thù, điều kiện của từng địa phương.
Bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của các ngành chức năng, để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hoàng Đình Ấn khuyến cáo: “Người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm an toàn bằng cách đọc kỹ nhãn mác sản phẩm, mua thực phẩm ở cơ sở kinh doanh uy tín, không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Không nên mua tích trữ nhiều thực phẩm trong ngày tết, để tránh sử dụng sản phẩm không tươi, mất dinh dưỡng, hỏng mốc. Không lạm dụng rượu, bia trong ngày tết. Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân… Cần thực hiện khai báo kịp thời khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm với các cơ quan chức năng, các cơ sở y tế”.
baoquangtri.vn