Thời gian qua, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của cả nước đạt nhiều kết quả to lớn, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định kinh tế, xã hội.
Trình độ công nghệ chế biến nông sản Việt Nam so với thế giới mới đạt mức độ trung bình đến trung bình khá
Giai đoạn từ 2013 - 2018 công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh mẽ trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước (giai đoạn 2007 - 2012), tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt khoảng 5 - 7%. Nhờ công nghiệp chế biến nông sản tăng trưởng mạnh mà các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng bình quân khoảng 8 - 10%/năm trong hai năm qua.
Hiện Việt Nam đã bước đầu hình thành được hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với hơn 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn xuất khẩu. Ngoài ra, còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn làm nhiệm vụ sơ chế, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể công nghệ chế biến và chất lượng sản phẩm, trình độ công nghệ chế biến nông sản Việt Nam so với thế giới mới đạt mức độ trung bình đến trung bình khá, chỉ có một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực, thế giới như: chế biến hạt điều, chế biến lúa gạo, chế biến tôm và cá tra... 70 - 80% là chế biến thô, giá trị thấp; 83% trong khâu làm đất được cơ giới hóa; 50 - 60% cơ giới hóa khâu thu hoạch nhưng vẫn chưa đồng bộ.
Tuy nhiên, trình độ công nghệ chế biến nhìn chung ở mức độ trung bình (rau, thịt chỉ chế biến được từ 5-10%), chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp, tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10-20%), cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản...
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết hệ thống công nghiệp chế
biến nông sản có công suất khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu/năm và trên 7.500 doanh nghiệp (DN) có chế biến gắn với xuất khẩu. 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến có tốc độ tăng trưởng 5 - 7%/năm và có một số ngành chế biến hiện đại nhưng nhìn chung năng lực chế biến chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm, dây chuyền công nghệ, công suất chế biến, đặc biệt là dịp mùa vụ, cao điểm thu hoạch.
Báo cáo từ Bộ NN-PTNT ghi nhận một số ngành có tỷ lệ chế biến ở mức thấp như rau, quả khoảng 10%, chè chiếm khoảng 40% nguyên liệu. Ngành gỗ và thủy sản công suất chế biến ở mức cao cũng chỉ đạt từ 65 - 78% và 95% số cơ sở chế biến nông lâm sản có quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình. Ở một số ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm như chè thì 40% công nghệ chế biến lạc hậu, chắp vá.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng công nghiệp chế biến nông sản tăng nên các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng bình quân từ 8 -10%/năm, trong đó thủy sản đang là ngành phát triển nhanh nhất.
Nhưng đa số sản phẩm nông lâm sản xuất khẩu dưới dạng sơ chế thô nên giá trị gia tăng ở mức thấp. Giá trị nông sản chế biến của nước ta thấp hơn từ 15 - 50% so với các sản phẩm cùng loại từ những nước khác đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu bổ sung cho các DN chính sách giảm lãi suất, giãn nợ nếu để tăng nguồn lực đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến, cơ giới hóa nông nghiệp. Bộ NN-PTNT khẩn trương xây dựng trình Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến, cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2030. Bộ Công thương triển khai đề án phát triển chiến lược cơ khí trọng điểm trong nông nghiệp vì đây là khâu yếu; phát triển logistics gắn với nông nghiệp. Bộ KH-CN xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực chế biến nông sản; hỗ trợ DN, người dân, hợp tác xã trong chuyển giao, ứng dụng công nghệ chế biến nông sản…